Tin tức nổi bật

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Ngày đăng 04/12/2024 | 14:47  | View count: 116

Năm 2024, UBND huyện Hoài Đức đã xây dựng các kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) với nhiều giải pháp, quyết tâm cao, phương thức điều hành chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy định. Đồng thời thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu trọng tâm đề ra trong công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực ATTP. Qua đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng đã từng bước được nâng cao, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người dân. Kết quả, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện không xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm.

Lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học

Với tốc độ đô thị hoá nhanh, thu hút đông đảo lực lượng lao động, người dân từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc nên những năm gần đây qua số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại huyện tăng nhanh chóng. Hiện, trên địa bàn huyện có tổng số 2.061 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong năm 2024, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn quyết liệt, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về ATTP thông qua việc tích cực triển khai công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Theo đó, huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 26 đoàn kiểm tra ATTP; trong đó 06 đoàn kiểm tra cấp huyện và 20 đoàn kiểm tra tuyến xã, thị trấn. Các đoàn tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và các đợt cao điểm; tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học, khu vực kinh doanh, chế biến thực phẩm xung quanh cổng trường học, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp nhiều thực phẩm trong dịp Tết, lễ hội, mùa nắng nóng...; kiểm tra các cơ sở có nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Nội dung kiểm tra tập trung vào kết quả thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm; việc chấp hành các quy định pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đến nay, các đoàn kiểm tra của huyện và các xã, thị trấn đã kiểm tra được 1.861 cơ sở. Trong đó 129 cơ sở vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt là trên 1, 4 tỷ đồng (giá trị hàng hoá vi phạm tiêu huỷ trên 988 triệu đồng). Các lỗi vi phạm chủ yếu được phát hiện như: Không thực hiện kiểm thực ba bước; không lưu mẫu thức ăn theo quy định; không có lưới chắn côn trùng, động vật gây hại, thùng rác không có nắp đậy; người chế biến, sản xuất tiếp xúc với thực phẩm không có găng tay, trang phục bảo hộ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc; khu vực chứa đựng, kho bảo quản có hoặc không đầy đủ giá kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh đảm bảo,…

Công tác giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm thực phẩm cũng được chú trọng nhằm đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và kịp thời chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Theo đó, huyện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 236 mẫu thực phẩm, kết quả 234 mẫu đạt. Lấy 14 mẫu thực phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2024 bao gồm: 04 mẫu thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản, 10 mẫu thuộc lĩnh vực công thương và 20 mẫu rau đi phân tích các chỉ tiêu hoá lý, kết quả 34/34 mẫu đạt. Ngoài ra, huyện phối hợp với Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội tiến hành lấy 112 mẫu thực phẩm để phân tích, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp năm 2024 tại các chợ trên địa bàn huyện.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và dịp lễ hội, huyện tiếp tục tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm; triển khai và duy trì hiệu quả mô hình “kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người”. Chủ động, đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật. Tăng cường quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể và có hình thức cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn những hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật trên địa bàn./.

Phượng Nguyễn

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh