Theo quyết định, Trạm Y tế xã Hoài Đức được thành lập với 69 cán bộ, viên chức, người lao động. Đồng chí Hoàng Thị Thanh được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Trạm y tế; đồng chí Lê Hoa Thắm giữ chức Phó trưởng Trạm Y tế xã. Trụ sở chính của trạm được đặt tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức (cũ), nay thuộc thôn Lũng Kênh, xã Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Với việc thừa hưởng cơ sở vật chất đầy đủ, hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được duy trì ổn định, từng bước nâng cao chất lượng. Các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai đồng bộ như: Khám chữa bệnh ban đầu, tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe sinh sản và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hoạt động khám chữa bệnh, nhận thuốc bảo hiểm y tế của người dân tại các điểm trạm vẫn được duy trì hằng này. Mọi việc diễn ra nền nếp, thủ tục nhanh gọn, thái độ phục vụ tận tình. Khi đến khám bệnh hoặc lấy thuốc, người dân chỉ cần cung cấp căn cước công dân gắn chip có tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, mọi dữ liệu đã được đồng bộ, cập nhật đầy đủ.
Trưởng Trạm Y tế xã Hoài Đức – Hoàng Thị Thanh cho biết: "Chúng tôi đã triển khai và phân công nghiệm vụ cụ thể cho các bộ phận, xây dựng kế hoạch cụ thể cho các hoạt động, chương trình y tế; chỉ đạo các bộ phận, điểm trạm chủ động giám sát, khoanh vùng, xử lý ca bệnh gây dịch trên địa bàn như: Ho gà, tay chân miệng, viêm não nhật bản, sốt phát ban nghi sởi, sốt xuất huyết….".
Đồng thời, Trạm Y tế xã cũng cập nhật tiền sử tiêm chủng đầy đủ cho trẻ vào Phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia. Tăng cường truyền thông về lợi ích của các loại vắc xin phòng bệnh để mang lại hiệu quả phòng bệnh trong cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở, tuyến phố, bếp ăn tập thể và sự kiện đông người.
Cập nhật thông tin trên Phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia
Trạm cũng phối hợp với các trường học, các ban ngành đoàn thể phường tổ chức các buổi truyền thông nhằm đưa đến cho người dân các kiến thức về phòng chống dịch bệnh, phòng tránh các bệnh mãn tính, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân nâng cao chất lượng cuộc sống và tầm vóc người Việt Nam…
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7, trạm đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động điểm truyền thông, triển khai các hoạt động để người dân trên địa bàn nắm được và hưởng ứng tham gia. Đồng thời, Trạm sẽ tiếp tục tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ người cao tuổi, Câu lạc bộ thanh niên không kết hôn muộn và sinh con muộn… góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Khi chính quyền hai cấp đi vào hoạt động, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế càng được quan tâm, nhằm nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hiện nay, thành phố Hà Nội đã thí điểm mô hình trạm y tế số và sẽ nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Duy trì việc khám chữa bệnh cho người dân đảm bảo hiệu quả
Trạm y tế số không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật, mà là bước chuyển lớn về tư duy phục vụ. Đặc biệt, các trạm y tế số sẽ chuyển từ dùng nhiều phần mềm thành dùng một phần mềm duy nhất – phầm mềm có kết nối với tất cả dữ liệu có sẵn và dữ liệu khám chữa bệnh, dữ liệu phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng,… liên thông giữa các trạm, sở y tế và các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Từ đó giúp quản lý bệnh nhân, tư vấn hỗ trợ điều trị từ xa tốt hơn. Điều này đòi hỏi trạm Y tế xã Hoài Đức cần có sự chủ động trong nắm bắt thông tin, nâng cao trình độ của mỗi cán bộ, viên chức, người lao động để nhanh chóng triển khai công việc hiệu quả ngay khi có chỉ đạo của cấp trên.
Có thể thấy, trạm y tế xã Hoài Đức – nơi gần dân, sát dân nhất hiện đang đảm bảo hoạt động thông suốt, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, người dân không chỉ được phục vụ nhanh chóng, thuận tiện mà còn đảm bảo tính liên thông trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân.