Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Hoài Đức đề nghị một số nội dung:
- Các ban, ngành, đoàn thể, các nhà trường và 23 thôn, 02 tổ dân phố trên địa bàn xã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến học sinh, cán bộ, nhân viên, người dân trên địa bàn để chủ động phòng tránh; Tổ chức lực lượng trực, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Kiểm tra, rà soát, theo dõi tình hình cơ quan, đơn vị mình, có phương án khắc phục kịp thời các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao khi xảy ra mưa lớn, bão. Thường xuyên báo cáo tình hình cơ quan, đơn vị, diễn biến của mưa bão ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Hoài Đức theo quy định qua Ban CHQS xã; báo cáo tình hình cháy nổ, tai nạn giao thông trên địa bàn xã Hoài Đức qua Công an xã Hoài Đức.
- Ban Chỉ huy quân sự xã huy động, triển khai lực lượng xung kích BCH PCTT&TKCN kiểm tra, chuẩn bị, mua sắm vật chất, phương tiện; phối hợp với các thôn, tổ dân phố rà soát các khu vực dân cư, tổ chức duy trì lực lượng tuần tra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ người dân khi có yêu cầu. Tổng hợp tình hình báo cáo Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã và cấp trên theo quy định.
- Công an xã kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác PCCC trong thời gian mưa bão; xây dựng phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục đường giao thông khi xảy ra mưa lớn. sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Phòng Kinh tế (Văn phòng BCH PCTT và TKCN xã) đôn đốc, chuẩn bị kinh phí mua sắm vật chất, trang bị sẵn sàng tổ chức triển khai các phương án phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thanh quyết toán đúng quy định. Tổ chức trực ban, trực PCTT&TKCN, thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão số 3 WIPHA. Tham mưu cho UBND, ban chỉ huy PCTT&TKCN chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống xảy ra. Phối hợp với đơn vị điện lực rà soát hệ thống đường dây điện, các khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng để chủ động khơi thông dòng chảy; chủ động tiêu thoát nước chống úng bảo vệ sản xuất; tổ chức kiểm tra, cắt tỉa hệ thống cây xanh có nguy cơ gãy đổ cao trong thời gian mưa bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Trung tâm văn hoá – thông tin và thể thao tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa lớn có thể kéo theo dông, lốc, sét, gió giật mạnh, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, cháy, sập đổ công trình, đặc biệt là đối với người dân sản xuất nông nghiệp, xây dựng, lao động ngoài trời….nhằm giảm thiểu thiệt hại.
- Trạm y tế xã kiểm tra, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thuốc men; tổ chức lực lượng ứng trực và sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Các nhà trường trên địa bàn xã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết có nguy cơ ảnh hưởng đến địa bàn xã; xây dựng phương án hỗ trợ, sơ tán học sinh trong thời gian mưa bão; kiểm tra lại cơ sở vật chất, hệ thống cây xanh xung quanh và trong khu vực khuôn viên nhà trường có phương án khắc phục đối với những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao do mưa bão; kịp thời báo cáo tình hình về BCH PCTT&TKCN xã.
- Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể, các thôn, tổ dân phố trong xã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác ứng phó với mưa bão, bảo đảm không để xảy ra sự cố làm thiệt hại về người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.