Với tổng diện tích tự nhiên 16,73km2, quy mô dân số 69.239 người, xã Hoài Đức không chỉ là sự cộng gộp về mặt hành chính, mà còn mang theo kỳ vọng lớn lao về một miền đất "hội tụ và bứt phá", giàu bản sắc văn hóa.
Xã Hoài Đức sau khi sáp nhập
Tên gọi Hoài Đức được chọn mang ý nghĩa gợi nhắc về lịch sử, như "sợi chỉ đỏ" nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai. Đây là sự tri ân những bậc tiền nhân đã khai phá, bao lớp người đã đổ mồ hôi, công sức để dựng xây nên mảnh đất hiền hòa, trù phú như hôm nay, đồng thời khẳng định quyết tâm tiếp nối truyền thống, làm giàu mạnh quê hương.
Theo sách "Việt sử thông giám cương mục", tên gọi Hoài Đức có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện: Giao Chỉ và Hoài Đức. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi và địa giới của Hoài Đức biến đổi nhiều lần. Như vậy, tên gọi Hoài Đức có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa phù hợp với nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính mới và việc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).
Xã Hoài Đức là vùng chuyển tiếp tiêu biểu giữa nông thôn truyền thống và đô thị hiện đại, phản ánh rõ nét quá trình đô thị hóa. Nhiều làng cổ như Đức Thượng, Đức Giang vẫn gìn giữ phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống như thờ Thành hoàng làng, tổ chức lễ hội đình làng, giỗ tổ nghề, thể hiện bản sắc văn hóa lâu đời. Trong khi đó, các khu đô thị mới tại Kim Chung, Di Trạch, Trạm Trôi đang hình thành nếp sống năng động, hiện đại và văn minh. Sự giao thoa này tạo nên một bản sắc văn hóa - xã hội đa dạng, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Dù đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, xã Hoài Đức vẫn giữ được nền nếp văn hóa cổ truyền, góp phần củng cố sự gắn kết cộng đồng và gìn giữ bản sắc dân tộc. Trên địa bàn vẫn còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa như đền Di Trạch, đình Dưới, đình Di Trạch, chùa Linh Tiên Quán, đình Cao Xá, chùa Diên Phúc, đình Lưu Xá, chùa Lưu Xá, đình Lũng Kinh, chùa Lũng Kinh, đình Đại Tự, chùa Đại Tự, đình Đụn, chùa Lai Xá, đình Yên Bệ - Yên Vĩnh, chùa Giang Xá (Bảo Phúc Tự), đình Giang Xá, đền Giang Xá - là các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Đây cũng là nơi sinh hoạt tâm linh và tổ chức các lễ hội, tế lễ cổ truyền. Các phong tục truyền thống như cưới hỏi, lễ Tết, giỗ chạp, thờ cúng vẫn được duy trì trong cộng đồng người gốc địa phương. Bên cạnh đó, các lễ hội làng, trò chơi dân gian như rước kiệu, hát thờ , kéo co vẫn diễn ra hằng năm, thu hút sự tham gia của nhiều thế hệ, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc và bền vững.
Vườn cây ăn trái sai trĩu quả
Những vườn cây ăn trái trĩu quả tỏa ngát hương thơm, hàng trăm héc-ta ao, đầm thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thấm đẫm "hơi thở" những làng nghề trồng cây ăn quả tiêu chuẩn VietGAP, xay sát gạo, làm bún, bánh phở… đang mang lại nguồn lợi kinh tế dồi dào; những tuyến đường liên thôn được trồng hoa đẹp như tranh vẽ cùng nụ cười hồn hậu, tươi vui của người dân tạo nên bức tranh đồng quê vừa yên bình, vừa giàu sức sống.
Không chỉ dừng lại ở thế mạnh nông nghiệp, nhìn về tương lai, xã Hoài Đức còn đang mở rộng hướng đi mới, phát triển Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Một số khu vực như Đức Thượng, Đức Giang vẫn duy trì các cơ sở sản xuất gỗ, mộc dân dụng, hàn cơ khí, gia công kim loại và may mặc, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, các xưởng cơ khí, kho vận, kho hàng và dịch vụ logistics ngày càng phát triển, đặc biệt tập trung dọc theo các tuyến đường lớn như khu vực giáp ranh giữa Di Trạch, Kim Chung và Xuân Phương.
Xã Hoài Đức là trung tâm thương mại - dịch vụ phát triển toàn diện, sôi động và đa dạng phía Tây Thủ đô nhờ vị trí thuận lợi, dân số tăng nhanh và hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Hệ thống dịch vụ tiêu dùng, logistics, hỗ trợ sản xuất - đô thị, xây dựng, nội thất và cho thuê nhà trọ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu dân cư đô thị và người lao động.
Với mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Hoài Đức có tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp tham quan, học tập và tiêu dùng. Du khách đến đây sẽ được tìm hiểu các di tích lịch sử, đắm mình giữa thiên nhiên xanh mát, trải nghiệm các làng nghề, sinh thái, cảm nhận sự bình yên, vẻ đẹp giản dị mà sâu sắc của vùng đất này. Nơi đây còn là điểm nối quan trọng trong định hướng phát triển của vùng ngoại thành Hà Nội, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giao thông thuận tiện, nhịp sống hiện đại len lỏi vào từng ngõ xóm. Hoài Đức định hướng phát triển trở thành vùng đất năng động, trung tâm thương mại, dịch vụ, điểm đến của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, kiến tạo một diện mạo tươi mới, đầy triển vọng.
Trụ sở làm việc của xã Hoài Đức
Trụ sở Đảng ủy tại xã Hoài Đức may mắn được đặt tại trụ sở Huyện uỷ, HĐND, UBND, UB MTTQ huyện cũ chính là một lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất phục vụ người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Không còn là những mảnh ghép rời rạc, từ những dặm dài truyền thống, xã Hoài Đức mới hôm nay trở thành khối thống nhất, hội tụ của những giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế; tiếp tục hòa vào dòng chảy của quê hương, đất nước, thực hiện sứ mệnh lịch sử mới, viết tiếp hành trình mới - hành trình về khát vọng xây dựng quê hương phát triển bền vững và chính quyền phục vụ nhân dân. Là hạt nhân của Thủ đô nghìn năm văn hiến, Anh hùng, Hoài Đức mới đang cùng cả nước vững bước trên hành trình mới…