Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt để xây dựng và củng cố hoạt động của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Phong trào "Bình dân học vụ số" ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số.
Hưởng ứng phong trào, trong năm 2025-2026, xã Hoài Đức sẽ triển khai toàn diện, sâu rộng phong trào "Bình dân học vụ số" có ứng dụng công cụ, nền tảng hỗ trợ học tập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số sâu rộng đến tận tổ dân phố trên địa bàn, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia tiến trình chuyển đổi số của Thành phố nói chung và xã Hoài Đức nói riêng.
Phấn đấu trên 85% người dân độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số
Chủ tịch UBND xã Hoài Đức yêu cầu toàn xã phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước tiên phong, gương mẫu thực hiện phong trào, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số, khai thác triệt để ứng dụng công cụ, nền tảng hỗ trợ học tập. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng học tập trực tuyến, phương thức linh hoạt, phù hợp mọi đối tượng, đặc biệt các nhóm yếu thế.
UBND xã đề ra các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện Kế hoạch này, trong đó phấn đấu năm 2025, trên 95% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC, NLĐ) trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh trung học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số.
Cùng đó, trên 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số; 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh.
Xã phấn đấu trong năm 2025 nằm trong nhóm dẫn đầu về tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VneID; 80% NLĐ trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Chuyển đổi số - bước đi quan trọng trong xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp
Năm 2026, xã Hoài Đức đặt chỉ tiêu 100% CBCCVC và NLĐ trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số.
Đồng thời, 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số; trên 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh.
Xã cũng phấn đấu duy trì nằm nhóm dẫn đầu về tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID. 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Mỗi đoàn viên, thanh niên là một đại sứ số
Tập trung vào 3 mô hình cụ thể
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trên, UBND xã Hoài Đức xây dựng 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể gồm: truyền thông và tuyên truyền; triển khai các nền tảng số phục vụ các hoạt động phong trào; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cơ bản; phát huy vai trò Tổ Chuyển đổi số cộng cộng đồng và lực lượng xã hội tham gia thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số"; triển khai các mô hình, phong trào lan toả kỹ năng số cho cộng đồng.
Trong đó, xã sẽ tổ chức triển khai mạng lưới "Đại sứ số", bố trí ít nhất một nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn khi người dân đến làm thủ tục hành chính nhưng không đủ kỹ năng thao tác trên Cổng DVC trực tuyến. Đoàn Thanh niên xã được giao chủ trì công việc này, phối hợp các phòng chuyên môn thuộc xã, thực hiện trong năm 2025-2026.
Bên cạnh đó, triển khai phong trào "Gia đình số", với mỗi hộ gia đình có ít nhất một thành viên tham gia học tập, nghiên cứu, có hiểu biết về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng được nền tảng, dịch vụ số và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình. Phòng Văn hóa - Xã hội chủ trì, phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Công an xã và các Tổ Chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn xã triển khai thực hiện trong năm 2025-2026.
Đặc biệt, trong năm 2025-2026 xã sẽ triển khai 3 mô hình cụ thể. Một là mô hình "Chợ số - Nông thôn số" do Phòng Kinh tế chủ trì, trong đó tiến hành hướng dẫn, tuyên truyền các tiểu thương và người dân khu vực qua mô hình học tập 4T (Tiểu thương - Thương mại điện tử - Thanh toán không dùng tiền mặt - Tiết kiệm số) giúp người học nắm vững các kỹ năng, sử dụng công nghệ, nền tảng số trong công việc kinh doanh.
Chợ số - 1 trong 3 mô hình được triển khai
Hai là mô hình "Mỗi công dân - Một danh tính số" do Công an xã chủ trì, trong đó bảo đảm 100% công dân từ 16 tuổi có danh tính số, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, tài khoản ngân hàng số.
Ba là mô hình "Bình dân học vụ số lưu động" vào sáng thứ 4 hàng tuần, do Phòng Văn hóa - Xã hội chủ trì, trong đó huy động lực lượng là các Tổ Chuyển đổi số cộng đồng, Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ số, nền tảng số, nền tảng xã hội, các ứng dụng trên các thiết bị di động, máy tính, kỹ năng ứng dụng AI; hỗ trợ thực hiện DVC trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia.
Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã sẽ chủ trì triển khai chiến dịch "Thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số". Trong đó, các cơ sở đoàn trên địa bàn xã thực hiện chiến dịch thường xuyên theo chuyên đề riêng hoặc lồng ghép vào hoạt động của Tổ Chuyển đổi số cộng đồng, Tổ thanh niên chuyển đổi số; thanh niên tình nguyện tổ chức các lớp, nhóm hướng dẫn cho người dân cách thức cài đặt, sử dụng các phần mềm, ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ số.