Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20km/h. Tại Bạch Long Vĩ có gió cấp 6, giật cấp 8. Dự báo diễn biến bão trong 24 đến 72 giờ tới, đến 7h ngày 22/7 vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông trên khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/h và có khả năng mạnh lên, sức gió cấp 10-11, giật cấp 14. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng rất rộng và nguy hiểm, sáng 21/7 khu vực thành phố Hà Nội có mưa rào và dông rải rác, từ chiều 21/7 đến sáng ngày 23/7 thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 80 - 150mm, có nơi trên 200mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo đó, thực hiện Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 20/7/2025 của UBND Thành phố Hà Nội về việc chủ động, tập trung ứng phó bão số 3 năm 2025 trên địa bàn Thành phố. Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm do bão số 3 gây ra, Chủ tịch UBND xã Hoài Đức yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND xã:
Khẩn trương thực hiện nghiêm Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 20/7/2025 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với bão số 3; chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai ứng phó, thường xuyên tổng hợp báo cáo kịp thời tình hình thiên tai, sự cố về UBND xã (qua Ban Chỉ huy quân sự xã, phòng Kinh tế).
Chủ động rà soát, xây dựng phương án phòng chống thiên tai tại đơn vị;
tiến hành cắt tỉa cây xanh, thu dọn các vật tư, biển bảng có nguy cơ mất an toàn tại đơn vị mình.
Ban Chỉ huy quân sự xã - Cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng thủ dân sự: Phối hợp với các đơn vị rà soát kỹ các khu dân cư có nguy cơ xảy ra ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ, diễn biến thiên tai, bão, mưa lũ trên địa bàn; Phối hợp Công an xã, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các công trình dân sinh khu dân cư, khu vực thấp trũng để triển khai phương án khơi thông dòng chảy; tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân kê, kích tài sản; di dời đồ đạc đến nơi an toàn. Kiểm tra các biển quảng cáo, mái tôn, mái vảy, cây xanh có nguy cơ rơi, đổ, không đảm bảo phải tháo dỡ, cắt tỉa cành để phòng nguy cơ gây tai nạn cho người và tài sản trên địa bàn xã.
Phối hợp với Phòng Kinh tế kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình thủy lợi,
phương án phòng chống lụt bão; Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động ứng phó khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm " 4 tại chỗ".
Tổ chức trực ban 24/24 giờ theo quy định, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến
của cơn bão; phối hợp với Phòng Kinh tế, Văn phòng HĐND&UBND xã báo cáo nhanh, báo cáo đột xuất các tình huống xảy ra.
Phòng Kinh tế: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, tình hình mưa dông, lốc, sét và gió giật mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân chủ động phòng, tránh.
Kiểm tra, thống kê diện tích lúa mới cấy; kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn và rút nước trong khu dân cư, giảm thiểu tối đa thời gian ngập úng.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức lực lượng ứng trực, kiểm tra,
kịp thời giải tỏa cây gãy, đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệ t hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.
Thường trực 24/24 giờ theo quy định, tổng hợp tình hình thiên tai, thiệt hại do thiên tai gây ra (nếu có) báo cáo kịp thời về UBND xã để tổng hợp báo cáo Văn phòng BCH phòng, chống thiên tai và TKCN Thành phố.
Xí nghiệp ĐTPT thủy lợi Đan Hoài: Triển khai phương án tiêu thoát nước; chủ động rút thấp mực nước kênh tiêu, vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu nước, ưu tiên tiêu nước đối với diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả và khu dân cư trũng thấp.
Công ty Điện lực Từ Liêm; các tổ chức kinh doanh điện ngoài EVN trên
địa bàn: Khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, đảm bảo cấp điện phục vụ tiêu úng chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt đảm bảo cấp điện cho trụ sở Đảng ủy, UBND xã phục vụ công tác chỉ đạo.
Ban Quản lý dự án Đầu tư - Hạ tầng: Chỉ đạo các đơn vị thi công kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công, thiết bị thi công (máy móc thi công, cẩu tháp…) bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho người và phương tiện, tránh để tình trạng mất an toàn trong trường hợp có mưa, bão, dông, lốc…
Công an xã: phân công lực lượng tuần tra, điều tiết giao thông, kịp thời
phát hiện sự cố có nguy cơ gây mất an toàn để cảnh báo, điều tiết giao thông những tuyến đường, điểm ngập sâu, kiên quyết không để xảy ra mất an toàn giao thông trong và sau khi xảy ra thiên tai.
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao: Thường xuyên cập nhật thông
tin về diễn biến của bão số 3, tình hình mưa; tăng thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy phòng thủ dân sự xã: thực hiện các
nhiệm vụ đã được phân công, chủ động kiểm tra đôn đốc các đơn vị để chỉ đạo các công tác xử lý sự cố và phòng, chống úng ngập theo quy định; kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo về Thường trực Ban chỉ huy PTDS xã (qua Văn phòng BCH phòng thủ dân sự xã).
Các trường học trên địa bàn: thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết có nguy cơ ảnh hưởng; kiểm tra lại cơ sở vật chất, hệ
thống cây xanh xung quanh và trong khu vực khuôn viên nhà trường; có phương án khắc phục đối với những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao do mưa bão; kịp thời báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PTDS xã (qua Văn phòng BCH phòng thủ dân sự xã) theo quy định.
Trưởng các Thôn/Tổ dân phố trên địa bàn: Thường xuyên tăng cường kiểm tra theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết có nguy cơ ảnh hưởng; kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy PTDS xã để có phương án xử lý kịp thời.
Thông báo cho các hộ dân trên địa bàn đang xây dựng công trình, nhà ở có biện pháp che chắn, gia cố công trình, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Thông báo cho các hộ gia đình, người dân có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản và phương tiện đi lại trước khi xảy ra mưa bão./.