Dự tại điểm cầu UBND xã có đồng chí Nguyễn Huy Hoàng – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, đồng chí Nguyễn Quý Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã.
Lãnh đạo UBND xã Hoài Đức dự tại điểm cầu UBND xã
Mở đầu phiên họp, Ban tổ chức công bố Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 23-7-2025 về tổ chức lại Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
Toàn cảnh điểm cầu UBND xã Hoài Đức
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ và chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 trên Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vào chiều 19-7 và đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, triển khai Luật Phòng thủ dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) và việc tổ chức hệ thống chính quyền 2 cấp, phiên họp nhằm thống nhất kiện toàn lực lượng, phân công, phân định nhiệm vụ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đánh giá kết quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ đầu năm 2025 đến nay, phương hướng thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.
Tại hội nghị, thay mặt Bộ Quốc phòng, Đại tướng Nguyễn Tân Cương báo cáo làm rõ thêm một số kết quả lãnh đạo công tác phòng thủ dân sự của Bộ Quốc phòng năm 2024, những tháng đầu năm 2025 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai. Thời gian tới, dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 sẽ rất phức tạp, đặc biệt là những tháng 8, 9, 10 sắp tới và thực tiễn những năm qua cho thấy có nhiều diễn biến thiên tai không theo quy luật. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành thay đổi căn bản về tư duy: Dứt khoát chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm "4 tại chỗ". Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao nhiêm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia, chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực PTDS các cấp, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác dự báo; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về PTDS; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành , địa phương xây dựng, triển khai hệ thống tổng đài 112 phục vụ cho tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn; tổ chức xây dựng lực lượng PTDS chuyên trách, kiêm nhiệm tinh, gọn, mạnh; đổi mới công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập sát yêu cầu nhiệm vụ và vùng miền./.