TIN TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Hơn 230 hoà giải viên trên địa bàn huyện được tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật
Ngày đăng 22/04/2024 | 02:00  | View count: 11

Sáng 22/4, UBND huyện Hoài Đức phối hợp với Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện năm 2024, tại hội trường Nhà văn hoá trung tâm xã Lại Yên. Dự hội nghị có đồng chí Đỗ Như Quỳnh - Phó Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân - Chuyên viên cao cấp, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Nguyễn Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Phòng Tư pháp huyện; đại diện lãnh đạo UBMTTQ huyện; lãnh đạo UBND, UB MTTQ, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch các xã, thị trấn phụ trách công tác hoà giải ở cơ sở và trên 230 hoà giải viên trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Anh - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện

phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn

Phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn, đồng chí Nguyễn Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện nhấn mạnh: Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Hoài Đức đã được Huyện ủy, UBND huyện và các xã, thị trấn quan tâm triển khai thực hiện; đã có những đóng góp và có ý nghĩa quan trọng vào việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện hiện nay vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần quan tâm như: Một số đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác hòa giải ở cơ sở; năng lực, nghiệp vụ hòa giải của hòa giải viên ở một số tổ hòa giải chưa cao, chưa có kinh nghiệm; hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa được phát huy; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bộ phận trong công tác hòa giải ở cơ sở còn chưa đồng bộ, chặt chẽ ...

Đại biểu dự hội nghị

Xuất phát từ thực tế nêu trên, hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở được tổ chức nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở; cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các hòa giải viên; góp phần giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư; hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân, từng bước xây dựng thói quen, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân - Chuyên viên cao cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 2024

Tại hội nghị, các đại biểu và hoà giải viên ở cơ sở được nghe Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân - Báo cáo viên pháp luật Trung ương, Chuyên viên cao cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, thay thế Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Luật đã thể chế nhiều nội dung mới mang tính chất đột phá quan trọng, góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai; giám sát, theo dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất…

Đồng chí Bùi Thế Công - Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện phát biểu ý kiến

Cũng tại hội nghị, đồng chí Báo cáo viên pháp luật Trung ương cũng hướng dẫn các kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở và một số tình huống hòa giải cụ thể thường xảy ra trong cuộc sống. Những ý kiến trao đổi, thảo luận, chia sẻ của đại biểu tại hội nghị đã được đồng chí Báo cáo viên trực tiếp giải đáp, làm rõ. Qua tập huấn, các ông, bà hòa giải viên ở cơ sở được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ để áp dụng, vận dụng vào thực tiễn công tác, giúp cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng đạt được những kết quả cao hơn nữa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phấn đấu để các xã trở thành Phường và huyện Hoài Đức trở thành quận theo kế hoạch đã đề ra.

Phương Lan

 

 

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh