Tin tức nổi bật

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch và định hướng huyện Hoài Đức thành quận
Ngày đăng 27/03/2024 | 20:31  | View count: 218

Chiều 26/3, UBND huyện Hoài Đức tổ chức hội nghị về việc rà soát đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch và định hướng phát triển huyện thành quận. Dự hội nghị có đồng chí Lê Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Hà Nội, Bộ Xây dựng; đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội; đại diện Sở Tài chính; Viện Quy hoạch Xây dựng, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội. Về phía đại biểu huyện, dự có đồng chí Nguyễn Trúc Anh – TUV, Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Trần Văn Nghĩa – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Hoàng Trường – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện và Thủ trưởng một số cơ quan chuyên môn thuộc huyện.

Đại diện các Sở, ngành Thành phố dự hội nghị

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 2011, khu vực phát triển đô thị trên toàn huyện khoảng 5.592ha (bao gồm các khu vực nằm trong các quy hoạch phân khu S2, S3, S4, GS và quỹ đất dành cho ga đường sắt phía Tây chiếm tỷ lệ 65,8%), Khu vực nông thôn phía Tây Vành đai 4 khoảng 2.901,15 ha (chiếm tỷ lệ 34,2%). Trong đó, quy mô dân số đến năm 2030 dự kiến khoảng 350.000 người (hiện nay khoảng 288.775 người) và dự báo đến năm 2050 khoảng 540.000 người.

Đồng chí Đinh Quốc Thái – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện báo cáo tại hội nghị

Về Đề án phát triển huyện thành Quận, đến nay huyện đã đạt 27/31 tiêu chí. Huyện còn 04 tiêu chí chưa đạt gồm cân đối thu chi ngân sách; hạ tầng xã hội (trường THPT đạt chuẩn Quốc gia); vệ sinh môi trường (tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật); kiến trúc, cảnh quan đô thị (công trình xanh). Đối với các tiêu chí chưa đạt, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành xong trong năm 2024. Với tiêu chí xã thành phường, toàn huyện đạt 266/320 tiêu chí; trong đó 18/20 xã, thị trấn chưa đạt tiêu chí cân đối thu chi ngân sách; 20/20 xã, thị trấn đạt mức tối thiểu về cơ sở hạ tầng thành lập phường.

Đồng chí Nguyễn Anh – UV BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu ý kiến

Tại hội nghị, UBND huyện đã nêu những nội dung khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, định hướng quy hoạch không gian phát triển huyện thành quận; điều chỉnh chức năng sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật;… Để đảm bảo tỷ lệ diện tích đất nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, đáp ứng điều kiện huyện thành Quận, UBND huyện đề xuất UBND Thành phố, Sở Quy hoạch – Kiến trúc bổ sung toàn bộ phần diện tích phía Tây Vành đai 4 của huyện (gồm một phần diện tích xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương và toàn bộ xã Vân Côn) vào vùng phát triển đô thị trong quá trình lập Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đề xuất điều chỉnh chức năng sử dụng đất tại ô quy hoạch A-1 và D-1 phân khu đô thị S3 thành công cộng, hỗn hợp, thương mại dịch vụ,… để thu hút đầu tư; nghiên cứu bố trí dải hành lang xanh theo hành lang tuyến đường Vành đai 4 liền mạch để bố trí thêm một số chức năng vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, cây xanh thể dục thể thao nhằm tạo sức hút cho huyện, phát triển bền vững. Đối với các cụm công nghiệp đang hoạt động và đang triển khai các thủ tục thành lập, đề nghị Thành phố xem xét phương án quy hoạch có định hướng phát triển, giải quyết lao động việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Trường – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện phát biểu ý kiến

 Huyện cũng đề xuất trong quá trình lập QHCT khu vực trục Hồ Tây – Ba Vì cho phép nghiên cứu điều chỉnh quy mô, tính chất, hướng tuyến các tuyến đường thành phần của trục phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo tính khả thi của dự án và không làm thay đổi tới văn hoá truyền thống, bản sắc, an sinh và tính ổn định xã hội; bổ sung một số tuyến đường giao thông, giải pháp kết nối khu vực dân cư hiện trạng phía Đông và Tây đường Vành đai 4. Nghiên cứu cập nhật hiện trạng hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn tạo không gian xanh, mặt nước điều hoà đảm bảo tiêu thoát nước; điều chỉnh quy mô hệ thống hồ điều hoà trong và ngoài vùng phát triển đô thị để tạo quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng xã hội cho địa phương. Đồng thời, huyện cũng đề xuất Thành phố hỗ trợ nguồn kinh phí thực hiện công tác lập quy hoạch đối với các đồ án đã được phê duyệt danh mục và chấp thuận giao huyện bố trí vốn đầu tư công làm cơ sở để huyện triển khai thực hiện, sớm hoàn thành các nhiệm vụ, tiêu chí xây dựng huyện thành quận;….

Đồng chí Lê Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Hà Nội, Bộ Xây dựng giải đáp các đề xuất, kiến nghị của huyện

Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phát biểu ý kiến

Đồng chí Nguyễn Trọng Kỳ Anh – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Trao đổi về các kiến nghị, đề xuất của UBND huyện Hoài Đức, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng đại diện Bộ xây dựng, các Sở, ngành Thành phố đã giải đáp các vướng mắc cũng như có những định hướng trong công tác quy hoạch, từ đó tạo tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Để đạt mục tiêu đề ra, các đại biểu cho rằng trên cơ sở hiện trạng, huyện cần có sự rà soát, lập kế hoạch, danh mục cụ thể, có sự điểu chỉnh và triển khai thực hiện sao cho phù hợp quy hoạch chung của Thủ đô.

Đồng chí Nguyễn Trúc Anh – TUV, Bí thư Huyện uỷ phát biểu ý kiến

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trúc Anh – TUV, Bí thư Huyện uỷ bày tỏ mong muốn tiếp tục có được sự đồng hành cũng như định hướng của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các Sở, ban, ngành Thành phố để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện hiện nay, giúp huyện bứt phá, thu hút đầu tư, phát triển trong tương lai, góp phần sớm hoàn thành Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành Quận.

Phượng Nguyễn

 

 

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh