TÀI LIỆU PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐIỂM TIN VĂN BẢN QPPL CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 8/2023
Ngày đăng 01/08/2023 | 10:46  | View count: 692

Từ tháng 08/2023 có 03 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 16 Thông tư có hiệu lực thi hành, trong đó đáng chú ý có một số nội dung như sau:

  1. Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó:

Nghị định gồm IV Chương 40 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2023 và thay thế 04 Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan: (1) Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; (2) Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; (3) Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn; (4) Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (các quy định của pháp luật có liên quan là các văn bản hướng dẫn các Nghị định của cơ quan có thẩm quyền).

Nghị định có một số điểm mới như sau:

Về chức danh cán bộ, công chức cấp xã (Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP):

Công chức cấp xã có 6 chức danh: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội (không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã do đã bố trí Công an chính quy ở cấp xã).

Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (Điều 6 và Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP)

Trên cơ sở khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định hiện hành (đối với phường loại I - II - III tương ứng là 23 - 21 - 19 người, đối với xã và thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 - 18 người) và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở  cấp xã theo quy định hiện hành (đối với cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người), Nghị định bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15),

Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (khoản 6 Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP.

Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp chính quyền, theo đó Nghị định tiếp tục quy định 03 chức danh người hoạt động không chuyên trách (gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển dụng, bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã.

Quy định hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã đối với những vấn đề nêu trên nhiều nội dung đã được thực hiện như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, theo đó để từng bước liên thông và thống nhất một nền hành chính công vụ, Nghị định quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện các quy định này như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. Đối với vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã có đặc thù khác với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên thì quy định cụ thể trong Nghị định như sau:

Quy định rõ tiêu chuẩn (khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác) và nhiệm vụ (bản mô tả công việc) của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm) cán bộ, công chức cấp xã. Trường hợp đang là cán bộ, công chức cấp xã mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì quy định ở điều khoản chuyển tiếp theo hướng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ;

Việc tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (thực hiện theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ);

Quy định rõ hơn về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã (Điều 20 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP):

Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 01 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định đối với chức danh kiêm nhiệm. Đồng thời, giao UBND cấp huyện quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức giảm được so với số được giao theo quy định tại Nghị định này.

Về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và chế độ hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố.

Nghị định quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi ĐVHC cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/01 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người). Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp này, đối với những ĐVHC cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 01 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người tăng thêm; 

Tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở.

Nghị định quy định các nội dung về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật và bãi nhiệm, miễn nhiệm, thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương và đẩy mạnh việc phân cấp, Nghị định quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng đối với từng chức vụ, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Theo Nghị định, địa phương phải triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Về Cán bộ, công chức cấp xã

UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ:

Hằng năm, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này;

Ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã; hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức cấp xã hàng năm;

Quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức vụ cán bộ cấp xã và từng chức danh danh công chức cấp xã theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Nghị định này;

Quy định ngành đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã;

Về người hoạt động không chuyên trách ở xã, bản, thôn, tổ dân phố

Hàng năm, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện không vượt quá tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể những nội dung sau:

Chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố;

Mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.

  1. Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ v ề thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Theo đó:

Ngày 24/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2023/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân là tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, công khai, minh bạch, bảo toàn và phát triển vốn; chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của Quỹ Hỗ trợ nông dân; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động với mục tiêu hỗ trợ hội viên Hội Nông dân Việt Nam xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân; tạo nguồn lực, điều kiện, công cụ để đoàn kết, tập hợp nông dân vào tổ chức hội, góp phần xây dựng hội và phong trào nông dân.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 08/8/2023.

  1. Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27/6/2023 của Chính phủ s ửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Theo đó:

Ngày 27/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

Sửa đổi căn cứ cấp phép với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Căn cứ cấp phép với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo Điều 15 Nghị định 67/2018/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 40/2023/NĐ-CP như sau:

Nhiệm vụ, hiện trạng công trình thủy lợi.

Quy hoạch thủy lợi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thủy lợi được duyệt thì căn cứ vào thiết kế của công trình thủy lợi và bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn và vận hành công trình thủy lợi.

Tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép đã cấp của tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn giấy phép.

Sửa đổi thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

Thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo Điều 16 Nghị định 67/2018/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 40/2023/NĐ-CP như sau:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 9, khoản 10 Điều 13 Nghị định 67/2018/NĐ-CP trong phạm vi bảo vệ công trình do bộ quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động quy định tại Điều 13 Nghị định 67/2018/NĐ-CP trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 67/2018/NĐ-CP.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

  1. Thông tư số 07/2023/TT-BNV ngày 31/5/2023 của Bộ Nội vụ q uy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức . Theo đó:

Thông tư này quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá bao gồm: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nội vụ; bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ ngành, lĩnh vực nội vụ. 

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức được bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao chọn bên cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Nội dung, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ

Thông tư quy định nội dung đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm: Chương trình, tài liệu; học viên; giảng viên; cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ; khóa bồi dưỡng; hiệu quả bồi dưỡng.

Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này.

Đánh giá, nghiệm thu chất lượng dịch vụ

Thông tư quy định việc đánh giá chất lượng dịch vụ được thực hiện theo phương thức chấm điểm, thang điểm 100. Chất lượng dịch vụ được đánh giá theo các mức: Tốt (tổng điểm đạt từ 70 điểm đến dưới 80 điểm), đạt (tổng điểm đạt từ 50 điểm đến dưới 70 điểm), không đạt (tổng điểm dưới 50 điểm).

Về nghiệm thu khối lượng, chất lượng, thanh toán dịch vụ, Thông tư quy định khi chất lượng dịch vụ được đánh giá từ mức đạt trở lên sẽ được nghiệm thu, thanh toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật. Chất lượng dịch vụ được đánh giá ở mức tốt là một trong các căn cứ để cơ quan đặt hàng xem xét, ưu tiên lựa chọn đơn vị cung ứng khi triển khai các dịch vụ tương tự theo quy định hiện hành của nhà nước.

Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ có ít nhất 05 thành viên

Người đứng đầu cơ quan đặt hàng trình cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ để xác định mức độ đạt được làm cơ sở thực hiện nghiệm thu khối lượng, chất lượng và thanh toán dịch vụ.

Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ có số thành viên là số lẻ và có ít nhất 05 thành viên bao gồm: Chủ tịch là người đứng đầu cơ quan đặt hàng; 01 phó chủ tịch là cấp phó của người đứng đầu cơ quan đặt hàng; các thành viên là đại diện các đơn vị liên quan và chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng; 01 thư ký hội đồng.

Hội đồng đánh giá chất lượng dịch vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận thống nhất. Kết quả khảo sát thu được từ các phiếu đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có) là cơ sở để hội đồng xem xét đánh giá chất lượng dịch vụ.

Đơn vị cung ứng lập, quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về tạm ứng, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng dịch vụ

Thông tư nêu rõ, cơ quan đặt hàng thực hiện kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng dịch vụ theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này.

Kết quả đánh giá do cơ quan đặt hàng thực hiện là một trong những cơ sở để nghiệm thu chất lượng, thanh toán dịch vụ, quyết toán kinh phí.

Khi phát hiện sai sót trong quá trình cung ứng dịch vụ hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, cơ quan đặt hàng đề nghị đơn vị cung ứng dịch vụ kịp thời khắc phục, sửa chữa các sai sót và giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ căn cứ theo các quy định hiện hành của nhà nước và nội dung đã giao kết giữa các bên liên quan.

Cơ quan quản lý nhà nước về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc đánh giá để phục vụ yêu cầu quản lý chất lượng dịch vụ.

Phương thức đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công

Đánh giá định lượng bằng chấm điểm trên cơ sở trọng số, mức đánh giá và tổng hợp điểm đánh giá theo mỗi tiêu chí, nhóm tiêu chí đánh giá.

Điểm đánh giá cho mỗi nhóm tiêu chí được xác định trên cơ sở tổng điểm đánh giá của các tiêu chí thành phần trong nhóm. Điểm đánh giá cuối cùng là tổng cộng điểm đánh giá của tất cả các nhóm tiêu chí đánh giá sau khi đã hiệu chỉnh theo trọng số tương ứng của mỗi tiêu chí.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.

  1. Thông tư số 02/2023/TT-BTP ngày 29/6/2023 của Bộ Tư pháp q uy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp. Theo đó:

Ngày 29/6/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 02/2023/TT-BTP quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp trong đó có nội dung về điều kiện trở thành Chuyên viên về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý.

Để trở thành Chuyên viên về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

Yêu cầu về trình độ:

(1) Trình độ đào tạo: Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật.

(2) Bồi dưỡng, chứng chỉ: Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.

(3) Phẩm chất cá nhân:

- Tuyệt đối trung thành, tin tưởng, nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của cơ quan.

- Tinh thần trách nhiệm cao với công việc, với tập thể, phối hợp công tác tốt.

- Trung thực, thẳng thắn, kiên định nhưng biết lắng nghe.

- Điềm tĩnh, nguyên tắc, cẩn thận, bảo mật thông tin.

- Khả năng đoàn kết nội bộ.

- Chịu được áp lực trong công việc.

- Tập trung, sáng tạo, tư duy độc lập và logic.

(4) Các yêu cầu khác

- Có khả năng tham mưu, xây dựng, thực hiện, kiểm tra và thẩm định các chủ trương, chính sách, nghị quyết, kế hoạch, giải pháp đối với các vấn đề thực tiễn liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Có khả năng cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực công tác được phân công.

- Có khả năng đề xuất những chủ trương, xây dựng quy trình nội bộ và giải pháp giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

- Hiểu và vận dụng được các kiến thức chuyên môn về lĩnh vực hoạt động và thực thi, kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tham mưu, đề xuất và thực hiện công việc theo vị trí việc làm.

- Hiểu và vận dụng được các kiến thức về phương pháp nghiên cứu, tổ chức, triển khai nghiên cứu, xây dựng các tài liệu, đề tài, đề án thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm.

- Biết vận dụng các kiến thức cơ bản và nâng cao về ngành, lĩnh vực; có kỹ năng thuyết trình, giảng dạy, hướng dẫn nghiệp vụ về ngành, lĩnh vực.

- Áp dụng thành thạo các kiến thức, kỹ thuật xây dựng, ban hành văn bản vào công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm...

Ngoài ra còn phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực chung, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

                                                                 Phòng Tư pháp tổng hợp

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh