TÀI LIỆU PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐIỂM TIN VĂN BẢN QPPL CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 02/2024
Publish date 02/02/2024 | 10:06  | View count: 26

Từ tháng 02/2024 có 02 Nghị định, 24 Thông tư có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:

1. Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ Quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Theo đó:

Theo Điều 3, Nghị định số 87/2023/NĐ-CP, tiền giả được hiểu là vật phẩm có một mặt hoặc hai mặt mô phỏng hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước của tiền Việt Nam để được chấp nhận giống như tiền Việt Nam, không có hoặc giả mạo các đặc điểm bảo an, không do Ngân hàng Nhà nước phát hành hoặc là tiền Việt Nam bị thay đổi, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo ra tờ tiền có mệnh giá khác so với nguyên gốc.

Trong khi đó, tiền nghi giả là tiền có hai mặt giống tiền thật về hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước nhưng sau khi đối chiếu với các đặc điểm bảo an trên tiền thật cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố, vẫn chưa xác định được là tiền thật hay tiền giả.

Theo Điều 4, Nghị định số 87/2023/NĐ-CP, trong các hoạt động, giao dịch có liên quan đến tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, Cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan thực hiện đối chiếu với các đặc điểm bảo an trên tiền thật cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố để xác định là tiền thật hay tiền giả.

Trường hợp phát hiện tiền giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan thực hiện thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp phát hiện tiền nghi giả, thực hiện tạm thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ tiền giả hoặc tạm thu giữ tiền nghi giả, tổ chức thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định tiền giả trong trường hợp có yêu cầu giám định, lập 01 bộ hồ sơ đề nghị giám định tiền nghi giả theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và gửi đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước để thực hiện giám định.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước thông báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý. Trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Về giám định tiền giả, tiền nghi giả, Điều 5, Nghị định số 87/2023/NĐ-CP nêu rõ, việc giám định để xác định tính xác thực của đồng tiền thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Việc giám định tư pháp về tiền Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả để xác định tính xác thực của đồng tiền thực hiện lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này và nộp trực tiếp đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước bố trí người có chuyên môn thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả; thông báo công khai danh sách và địa chỉ liên hệ của các cơ quan giám định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.

Cơ quan giám định thực hiện giám định trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc đối với 01 tờ hoặc miếng tiền; trường hợp số lượng tiền cần giám định vượt quá 20 tờ hoặc miếng đối với 01 hồ sơ đề nghị giám định, thời gian tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 5. Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp nhận thấy việc giám định sẽ vượt quá thời gian quy định nêu trên, cơ quan giám định có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định.

Việc giám định để xác định tính xác thực của đồng tiền theo quy định tại Nghị định này được thực hiện miễn phí. Chi phí giám định tư pháp về tiền Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định tiền giữa các cơ quan giám định thì kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước có giá trị thực hiện.

Về giao nộp tiền giả, theo Điều 8, các tổ chức, cá nhân có tiền giả thực hiện giao nộp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất hoặc giao nộp cho cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan để chuyển về Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao nộp tiền giả theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về Thu nhận, tiêu hủy tiền giả, theo Điều 9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận tiền giả để thực hiện tiêu hủy. Tiền giả được thu nhận phải được kiểm đếm theo tờ hoặc miếng và được thể hiện bằng văn bản theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trong đó ghi rõ loại tiền, số lượng, mệnh giá, vần seri tiền giả giao nộp.

Việc tiêu hủy tiền giả của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả tiền giả liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật, được thực hiện theo quy định tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước

Nghị định có hiệu lực từ ngày 02/02/2024.

2. Nghị định số 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó:

Nghị định này quy định đối tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Đối tượng áp dụng :

+ Cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống.

+ Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan tới hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

+ Nghị định này không áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Nguyên tắc xét tặng : Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thực hiện trên nguyên tắc sau:

- Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;

- Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;

- Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;

- Không xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho cá nhân đã được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp về loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ để có thêm các kỹ năng, bí quyết.

- Thời gian cá nhân công tác và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; thời gian cá nhân thoát ly hoạt động thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng thì không được tính là thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Hội đồng các cấp chỉ được trình cấp trên có thẩm quyền xem xét các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định.

Tiêu chuẩn xét tặng :

Đối với danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân quy định tại (*) nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.

- Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Đối với danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.

- Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/02/2024 thay thế Nghị định 62/2014/NĐ-CP.

3. Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT ngày 29/12/2023 của Bộ Giao thông Vận tải Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 và Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm. Theo đó:

Thông tư này đã bổ sung một số điểm mới vào Thông tư 85/2014/TT-BGTVT (Thông tư 85) quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Một số trường hợp “độ” xe không ảnh hưởng đến an toàn vẫn được chấp nhận.

Thông tư 43 đã bổ sung một số trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo, bao gồm:

Thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa);

Thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như: bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng (quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 42/2014/TT- BGTVT); lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ;

Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô Pickup (bán tải) nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe;

Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời;

Thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, QCVN 35:2017/BGTVT mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt;

Thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn;

Thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT. Việc lắp đặt thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe;

Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió;

Lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.

Theo thông tư mới, khi đi đăng kiểm (sau 15.2), một số trường hợp độ xe, nhất là độ đèn nếu phù hợp theo quy định sẽ vẫn được đăng kiểm.

Đại diện Cục Đăng kiểm cho biết, việc lắp một một số bộ phận mà không làm thay đổi kết cấu xe và đáp ứng yêu cầu theo đăng kiểm sẽ được cởi mở hơn. Ví dụ như thay cả cụm đèn bằng loại đèn khác chủng loại, thay mặt ca-lăng, lắp thêm đèn sương mù,...

          Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.

4. Thông tư số 25/2023/TT-BGDĐT ngày 27/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh. Theo đó:

          Thông tư ban hành áp dụng đối với các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã); các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là huyện); các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và các tổ chức, cá nhân liên quan

Với mục đích tạo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập; giúp Ủy ban nhân dân các cấp tự đánh giá xây dựng xã hội học tập; xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập phù hợp với thực tế của địa phương; làm căn cứ để đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh.

Nguyên tắc đánh giá, công nhận là công khai, dân chủ, minh bạch; đúng tiêu chí, điều kiện, quy trình, thẩm quyền; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thẩm quyền và thời hạn công nhận "Đơn vị học tập" cấp xã, huyện, tỉnh:
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận xã đạt “Cộng đồng học tập” cấp xã. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận huyện đạt “Cộng đồng học tập” cấp huyện. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận tỉnh đạt “Cộng đồng học tập” cấp tỉnh.

Công nhận "Cộng đồng học tập" cấp xã, huyện, tỉnh theo 2 mức độ: mức độ 1, mức độ 2.

Đơn vị cấp xã, huyện, tỉnh được công nhận mức độ 1 sau ít nhất 1 năm (12 tháng) kể từ ngày ra quyết định công nhận có thể đề nghị đánh giá, công nhận nâng mức độ.

Kết quả công nhận được bảo lưu trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tiếp theo năm được công nhận là "Cộng đồng học tập" cấp xã, huyện, tỉnh.

Tiêu chí đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” mức độ 1, mức độ 2; điều kiện công nhận, cách thức đánh giá, quy trình đánh giá, công nhận … “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh được quy định tại Chương II (Cấp xã), Chương III (Cấp huyện) và Chương IV (Cấp tỉnh) của Thông tư.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2024.

5. Thông tư số 07/2023/TT-BNG ngày 29/12/2023 của Bộ Ngoại giao Hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó:

 

          Công dân Việt Nam ở nước ngoài có thể thực hiện đăng ký những việc hộ tịch sau tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài: Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký giám hộ; Đăng ký việc nhận cha, mẹ, con; Đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc;  Đăng ký khai tử; Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử; Ghi vào sổ hộ tịch các việc của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; Cấp bản sao trích lục hộ tịch; Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Th ông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.

6. Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 28/12/2023 của Bộ Tài chính Quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó:

Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện điều tiết ngân sách trung ương hưởng 100% đối với số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách trung ương 100% và thực hiện phân chia 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý được sử dụng cho chi đầu tư phát triển thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương. Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán ngân sách địa phương được sử dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư nêu rõ, năm 2024 thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đối với số bổ sung cân đối ngân sách (nếu có), ngân sách trung ương bổ sung tăng thêm 2% so với mức bổ sung cân đối ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội quyết định; bổ sung cho ngân sách địa phương để thực hiện tiền lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, số 1602/QĐ-TTG ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương thực hiện theo đúng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã quyết định đối với năm ngân sách trong thời kỳ ổn định.

Đối với năm 2024, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới so với năm 2023. Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, ngân sách cấp tỉnh bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới để thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 12/02/2024 và áp dụng đối với năm ngân sách 2024.

                                                                       Phòng Tư pháp tổng hợp

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh