TÀI LIỆU PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Từ tháng 04/2023 có 01 Nghị định; 01 Quyết định và 08 Thông tư có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ Quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Theo đó:
Ngày 21/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP gồm 03 Chương 14 Điều quy định về việc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia tuyển dụng vào làm công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
* Về đối tượng áp dụng
Nghị định áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.
* Nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức
- Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật
- Bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm
- Kết quả kiểm định được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc
- Không hạn chế số lần được đăng ký dự kiểm định đối với mỗi thí sinh
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
* Điều kiện đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, cụ thể: Là người có một quốc tịch là Việt Nam; Đủ 18 tuổi trở lên; Có đơn dự tuyển; Có lý lịch rõ ràng; Có văn bằng chứng chỉ phù hợp; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; Đảm bảo các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
* Thẩm quyền tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức
- Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức; trước 31/01 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
- Các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình quản lý; lập danh sách gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định
- Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hằng năm. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách đăng ký của các cơ quan, đơn vị, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.
* Hình thức, nội dung và thời gian kiểm định
- Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính
- Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực, tư duy ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tô chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.
- Thời gian, số lượng câu hỏi kiểm định:
+ Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút/100 câu hỏi
+ Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút/80 câu.
* Xác định kết quả trong kỳ kiểm định
Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
* Sử dụng kết quả kiểm định
- Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời gian kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi toàn quốc.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức căn cứ kết quả kiểm định công chức để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và tổ chức thi vòng 2 đối với người đạt kết quả kiểm định theo quy định.
- Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên được phép sử dụng thay thế kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ thấp hơn khi đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.
* Hủy bỏ kết quả kiểm định
Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức bị hủy bỏ trong những trường hợp sau:
- Khai không đúng thông tin trong Phiếu đăng ký dự kiểm định.
- Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức phát hiện người được tuyển dụng sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định thì đề nghị Bộ Nội vụ để hủy bỏ kết quả kiểm định.
- Danh sách các trường hợp bị hủy bỏ kết quả kiểm định được thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ, trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Người bị hủy bỏ kết quả kiểm định không được đăng ký dự kiểm định trong một kỳ kiểm định tiếp theo.
* Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp
- Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
- Việc tổ chức thi vòng 1 trong kỳ thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định 138 đến hết ngày 31/7/2024.
- Kể từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ thực hiện tuyển dụng vòng 2 đối với người đạt kết quả kiểm định.
- Bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
2. Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Theo đó:
Ngày 24 tháng 02 năm 2023 Chính phủ đã ký Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ban hành Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh gồm danh mục và nội dung của 154 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.
Hệ thống chỉ tiêu cấp huyện gồm danh mục và nội dung của 51 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này
Hệ thống chỉ tiêu cấp xã gồm danh mục và nội dung của 26 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/4/2023.
3. Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động. Theo đó:
Phương tiện bảo vệ cá nhân trang cấp cho người lao động phải phù hợp với việc ngăn ngừa có hiệu quả tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong môi trường lao động, dễ dàng trong sử dụng, bảo quản và không gây tác hại khác, đồng thời phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định khác của pháp luật lao động và pháp luật chuyên ngành (nếu có).
Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang cấp để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.
Theo quy định, phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm: phương tiện bảo vệ đầu; phương tiện bảo vệ mắt, mặt; phương tiện bảo vệ thính giác; phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp; phương tiện bảo vệ tay; phương tiện bảo vệ chân; phương tiện bảo vệ thân thể; phương tiện chống ngã cao; phương tiện chống điện giật, điện từ trường, tia phóng xạ; phương tiện chống đuối nước; các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác.
Người lao động khi làm việc với máy, thiết bị, công cụ lao động tiềm ẩn các mối nguy mất an toàn, vệ sinh lao động, làm việc ở vị trí mà tư thế lao động nguy hiểm để gây ra tai nạn lao động; làm việc trên cao; làm việc trong hầm lò, nơi thiếu dưỡng khí; làm việc trên biển, trên sông nước, trong hầm sâu, trong không gian hạn chế, trong rừng; làm việc trong núi đá, hang đá hoặc điều kiện lao động nguy hiểm, độc hại khác, vì vậy, nguyên tắc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân là người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động để loại trừ hoặc hạn chế tối đa các tác hại của yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, cải thiện điều kiện lao động trước khi thực hiện biện pháp trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; người sử dụng lao động lập danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang cấp cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Đồng thời, cần chủ động xây dựng danh mục và trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động.
Người lao động không phải trả tiền về việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bổ sung mới hoặc thay đổi loại phương tiện bảo vệ cá nhân cho phù hợp với điều kiện thực tế, song cần tuân thủ nguyên tắc bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân. Cụ thể, người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí nơi cất giữ, bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chế tạo phương tiện bảo vệ cá nhân, người lao động có trách nhiệm giữ gìn phương tiện bảo vệ cá nhân được giao. Lưu ý, các phương tiện bảo vệ cá nhân để sử dụng ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm phóng xạ thì sau khi sử dụng, người sử dụng lao động phải có các biện pháp làm sạch, khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, môi trường xung quanh và phải định kỳ kiểm tra.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.
4. Thông tư số 01/2023/TT-BNV ngày 09/3/2023 của Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Sửa đổi khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 02/2020/TT-BNV ngày 14 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2014/TT-BNV ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ. Theo đó:
Thông tư số 01/2023/TT-BNV đã bỏ quy định cung cấp “Hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân hành nghề độc lập)” trong hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ. Theo quy định mới, hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ bao gồm: Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau:
- Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức).
- Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
- Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức).
- Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).
Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/4/2023.
5. Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 08/02/2023 của Bộ Tài chính Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó:
Ngày 08/02/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư quy định về nội dung chi và mức chi như sau:
Nội dung chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản
a. Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp bàn về kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
b. Chi công tác phí cho các đoàn công tác thực hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
c. Chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
d. Chi lấy ý kiến chuyên gia: Trong các trường hợp sau đây thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức quyết định và chịu trách nhiệm việc lấy ý kiến chuyên gia:
- Trường hợp văn bản được kiểm tra, rà soát thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp hoặc có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp;
- Trường hợp dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; báo cáo tổng rà soát hệ thống văn bản; báo cáo hệ thống hóa văn bản cần phải lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia.
e. Chi báo cáo (bao gồm cả báo cáo tổng hợp và báo cáo của từng bộ, ngành, tổ chức, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, địa phương, đơn vị) bao gồm: Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm); báo cáo kết quả tổng rà soát hệ thống văn bản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng năm hoặc báo cáo đột xuất về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản. Chi báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
g. Chi chỉnh lý các loại dự thảo báo cáo tại khoản 5 Điều này (trừ báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp).
h. Chi công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật, kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng.
i. Chi kiểm tra văn bản quy định tại khoản 2 Điều 106 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; rà soát, hệ thống hóa văn bản để thực hiện hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm); rà soát văn bản khi thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
k. Chi tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
- Chi hợp đồng có thời hạn với cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản; chi thù lao cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo hợp đồng khoán việc tính trên số lượng văn bản xin ý kiến;
- Chi thanh toán công tác phí cho cộng tác viên tham gia đoàn kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực.
n. Chi kiểm tra lại kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
m. Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định tại Điều 178 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP:
- Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản để cập nhật, lập hệ cơ sở dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản;
- Chi tổ chức thu thập, phân loại, xử lý các thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu, văn bản, trang bị sách, báo, tạp chí.
l. Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu, thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
o. Các nội dung chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
Chi tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và đội ngũ cộng tác viên; chi sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; chi tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; chi làm đêm, làm thêm giờ, chi văn phòng phẩm và một số khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản.
Mức chi công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản
1. Các nội dung chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành. Cụ thể như sau:
a) Đối với các khoản chi để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sơ kết, tổng kết; các khoản chi công tác phí cho những người đi công tác trong nước (bao gồm cả cộng tác viên, thành viên tham gia các đoàn kiểm tra văn bản và đoàn kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản) được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;
b) Đối với các khoản chi cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và đội ngũ cộng tác viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính);
c) Đối với các khoản chi tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực, địa phương và toàn quốc về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;
d) Đối với các khoản chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng Điều tra thống kê quốc gia và Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22 ngày 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3 và Mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính);
đ) Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
e) Chi hợp đồng có thời hạn với cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện theo hợp đồng giữa các bên và quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng;
g) Đối với các khoản chi báo cáo về rà soát các văn bản có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản thực hiện theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
2. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số khoản chi có tính chất đặc thù trong kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.
Phòng Tư pháp tổng hợp
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |