TÀI LIỆU PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐIỂM TIN VĂN BẢN QPPL CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 3/2023
Ngày đăng 09/03/2023 | 17:04  | View count: 545

            Từ tháng 3/2023 có 25 Thông tư, 01 Quyết định có hiệu lực thi hành, trong đó đáng chú ý có một số nội dung như sau:

  1. Thông tư số 51/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022 của Bộ Giao thông Vận tải Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thuộc ngành Giao thông vận tải. Theo đó

           Việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa vào sử dụng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 23/2013/TT- BKHCN , Thông tư 07/2019/TT-BKHCN .

           Trong đó, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi đưa vào sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính giao thông phải đáp ứng yêu cầu về kiểm định, gồm:

           - Phương tiện đo độ dài;

           - Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới;

           - Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh;

           - Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở;

           - Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh;

           - Phương tiện đo độ ồn;

           - Phương tiện đo nồng độ khí thải;

           - Phương tiện đo độ sâu của nước;

           - Phương tiện đo vận tốc dòng chảy của nước.

           Thông tư  51/2022/TT-BGTVT  có hiệu lực từ ngày 01/3/2023 và thay thế Thông tư  06/2017/TT-BGTVT  .

2. Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Theo đó:

Người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ hai điều kiện sau:

1. Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

2. Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố sau đây:

a) Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

b) Tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động).

- Việc xác định các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều này phải được thực hiện bởi tổ chức đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.

Từ 01/3/2023, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại

Theo đó, bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:

- Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng so với hiện hành);

- Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng so với hiện hành);

- Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng so với hiện hành);

- Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng so với hiện hành).

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

3.Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Theo đó:

Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan. Đối với di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng thì số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) được phân bổ và sử dụng như sau:

Thứ nhất, trích theo tỷ lệ phần trăm để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp tỉnh (không áp dụng đối với di tích có số thu tiền công đức, tài trợ thấp không đủ chi cho hoạt động lễ hội và chi thường xuyên): Số tiền này chuyển vào tài khoản riêng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.

Thứ hai, trích để lại theo tỷ lệ phần trăm để chi hoạt động lễ hội theo quy định (áp dụng đối với di tích có hoạt động lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích). Trường hợp đơn vị không được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội thì chuyển số tiền này vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/3/2023.

           4. Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31/01/2023 của Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó:

Ngày 31/01/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

           Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng:

          Theo quy định cũ tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

          Tại Thông tư số 06/2023/TT-BTC, quy định này được sửa đổi, bổ sung như sau: Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. 

          Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức do viên chức đóng góp, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nguồn thu khác (nếu có) và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.Trường hợp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo các Chương trình, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nguồn kinh phí thực hiện theo các Chương trình, Đề án đó.

          Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.

          Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng khác áp dụng Thông tư này do cá nhân, nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm theo quy định của pháp luật.

           Nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng   cán bộ, công chức:

          Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Cụ thể:

          Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm. 

          Căn cứ đối tượng, điều kiện cử cán bộ, công chức đi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, đào tạo sau đại học theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; căn cứ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ và các nguồn kinh phí khác, các cơ quan, đơn vị quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền có quyết định cử đi đào tạo;

          Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng để chi các hoạt động trực tiếp phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị.

          Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để chi: Hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Kinh phí hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương bảo đảm từ nguồn kinh phí thường xuyên được giao hàng năm.

          Căn cứ phân loại đơn vị sự nghiệp công theo phương án tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quyết định một số mức chi, nội dung chi theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

          Trường hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện đấu thầu, đặt hàng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.

          5. Thông tư số 01/2023/TT-BTP ngày 16/01/2023 của Bộ Tư pháp Quy định chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó:

Ngày 16/01/2023, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 01/2023/TT-BTP quy định về chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quy định chế độ báo cáo, biểu mẫu thống kê số liệu trong xử lý vi phạm hành chính. Thông tư gồm 08 điều, cụ thể như sau:  

- Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư quy định chi tiết về chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: Trách nhiệm báo cáo; kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo; hình thức và phương thức gửi báo cáo; mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo và việc chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo.

- Về đối tượng áp dụng: Chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Toà án nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc, gồm: Toà án nhân dân; Kiểm toán Nhà nước; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; tổ chức Thống kê tập trung; cơ quan Bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật.

- Về trách nhiệm báo cáo và chế độ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ, thời hạn gửi báo cáo định kỳ.

+ Cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, trung thực, chính xác các nội dung trong mẫu đề cương báo cáo và các biểu mẫu số liệu báo cáo và bảo đảm thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo. Đồng thời, Thông tư cũng quy định trách nhiệm tổng hợp, báo cáo của các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

+ Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm: báo cáo định kỳ; báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất. Về thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ, thời hạn gửi báo cáo định kỳ: thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP. Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ từ ngày 15 tháng 12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo. Đồng thời, Thông tư quy định cụ thể thời hạn gửi báo cáo của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm gửi báo cáo đến Bộ Tư pháp chậm nhất vào ngày 21 tháng 12 của kỳ báo cáo để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào ngày 25 tháng 12 của kỳ báo cáo.   

- Về hình thức báo cáo và phương thức gửi, nhận báo cáo, mẫu đề cương báo cáo và biểu mẫu số liệu báo cáo, chỉnh lý, bổ sung báo cáo.

+ Hình thức báo cáo truyền thống bằng văn bản giấy, Thông tư còn quy định sử dụng hình thức báo cáo bằng văn bản điện tử có chữ ký số để phù hợp với chủ trương sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước. Về phương thức gửi, nhận báo cáo: Gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi qua fax; gửi qua hệ thống thư điện tử dưới dạng tệp ảnh (định dạng PDF) hoặc văn bản điện tử có ký số; gửi qua Hệ thống văn bản và Điều hành; phương thức khác theo quy định của pháp luật.

+ Về mẫu đề cương báo cáo và mẫu số liệu báo, Thông tư quy định về mẫu đề cương báo cáo và các mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo hướng lược bỏ những chỉ tiêu báo cáo trùng lặp, không cần thiết, rút gọn tối đa các thông tin trong mẫu đề cương báo cáo và các mẫu tổng hợp số liệu báo cáo.

+ Về việc chỉnh lý, bổ sung báo: Trường hợp phải chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo, cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo đã được chỉnh lý, bổ sung, kèm theo văn bản giải trình rõ về việc chỉnh lý, bổ sung và phải có chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền, đóng dấu theo quy định; Trường hợp báo cáo bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, số liệu trong báo cáo và các biểu mẫu số liệu kèm theo thì báo cáo, biểu mẫu đó không có giá trị báo cáo.

 - Về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành 

+ Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 03/3/2023.

+ Thông tư này bãi bỏ Điều 1, khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 3, Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đồng thời, ban hành kèm theo Thông tư là Phụ lục mẫu đề cương báo cáo và các mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

+ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng báo cáo, kịp thời tổng hợp để gửi Bộ Tư pháp theo đúng nội dung, thời hạn quy định tại Thông tư này.

  1. Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó:

Thông tư số 20/2022/TT-BYT đã bổ sung hướng dẫn thanh toán BHYT đối với khí y tế như oxy, nitric oxid; thuốc phóng xạ và chất đánh dấu và đặc biệt bổ sung hướng dẫn thanh toán đối với thuốc sử dụng trong hội chẩn từ xa đối với trường hợp cấp cứu...

Tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam vừa tổ chức hội nghị phổ biến và hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Thời gian qua để khắc phục một số khó khăn vướng mắc liên quan đến danh mục và các quy định về thanh toán thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, cũng như cần mở rộng thuốc cho y tế cơ sở để nâng cao quyền lợi và tăng cường tiếp cận thuốc BHYT cho người bệnh và có bước chuẩn bị kịp thời cho diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, kể cả trong trường hợp trở thành bệnh lý truyền nhiễm và được chuyển sang thanh toán từ quỹ BHYT, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá, xây dựng và ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BYT.

- Thông tư đã bổ sung căn cứ chỉ định thuốc được thanh toán BHYT theo Dược thư Quốc gia mới nhất (trước đây chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng ký thuốc và/hoặc hướng dẫn chẩn đoán điều trị của BYT).

- Thông tư đã làm rõ quy định thanh toán đối với thuốc ung thư và hướng dẫn cụ thể và bổ sung các căn cứ thanh toán chi phí thuốc được bào chế, pha chế tại bệnh viện.

- Đối với các hướng dẫn, Thông tư này đã bổ sung hướng dẫn thanh toán BHYT đối với khí y tế như oxy, nitric oxid; thuốc phóng xạ và chất đánh dấu và đặc biệt bổ sung hướng dẫn thanh toán đối với thuốc sử dụng trong hội chẩn từ xa đối với trường hợp cấp cứu mà không phụ thuộc vào hạng bệnh viện; bên cạnh đó là bổ sung hướng dẫn thanh toán trong giai đoạn dịch bệnh nhóm A (bao gồm dịch bệnh COVID-19) mà người bệnh không đến được cơ sở khám chữa bệnh.

Về Danh mục thuốc: Thông tư đã bổ sung mới các thuốc có trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế để điều trị đối với: Bệnh do COVID-19 gây ra, bệnh mắc phải sau nhiễm COVID-19 và biến chứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19;

Thông tư cũng đã bổ sung các chỉ định của thuốc Tacrolimus được đề xuất của rất nhiều các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như từ người bệnh và các cử tri kiến nghị (TP HCM, Huế…) đặc biệt trong điều trị Hội chứng thận hư kháng thuốc ở trẻ em.

Đối với phạm vi thanh toán thì Thông tư đã mở rộng phạm vi thanh toán cho một số thuốc cho cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới, gồm bệnh viện hạng II: 01 thuốc, bệnh viện hạng III, IV: 05 thuốc; Mở rộng cho tuyến xã: 38 thuốc.

Trong đó, 38 thuốc mở rộng thanh toán, 4 thuốc cho phép được cấp phát thuốc tại trạm y tế xã.

Bộ Y tế cho biết trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục đánh giá, nghiên cứu để kịp thời điều chỉnh, bổ dung danh mục thuốc được thanh toán BHYT để đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT.

Thông tư này có hiệu lực vào ngày 1/3/2023 để thay thế Thông tư số 30/2018/TT-BYT, Thông tư số 01/2020/TT-BYT và Thông tư 20/2020/TT-BYT.

  1. Quyết định số 02/2023/QĐ-KTNN ngày 09/02/2023 của Kiểm toán Nhà nước Ban hành Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước. Theo đó:

Ngày 09/02/2023, Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-KTNN về Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn.

1. Trình tự lập, thẩm định, ban hành kế hoạch kiểm toán năm

Trình tự lập, thẩm định, ban hành kế hoạch kiểm toán năm bao gồm 03 bước sau:

Bước 1: Định hướng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm.

- Trước ngày 15 tháng 6 hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm sau theo những nội dung chủ yếu sau:

+ Đánh giá tình hình xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán năm hiện tại;

+ Phân tích đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và các chủ trương, chính sách quản lý, điều hành kinh tế - xã hội nổi bật trong năm kế hoạch;

+ Xác định mục tiêu kiểm toán tổng quát; định hướng xây dựng kế hoạch năm kế hoạch;

+ Định hướng về phương án tổ chức kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và các giải pháp tổ chức thực hiện.

- Định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm được thực hiện thông qua việc xem xét, phân tích các thông tin, văn bản sau:

+ Các thông tin, văn bản được quy định tại Điều 4 Quy định này.

+ Các yêu cầu kiểm toán của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

+ Thông tin từ các cơ quan truyền thông, dư luận xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước.

+ Thông tin về kết quả kiểm toán qua các năm; ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước và ý kiến của tổ chức, cá nhân thuộc Kiểm toán nhà nước liên quan đến công tác kế hoạch kiểm toán năm.

Bước 2: Tổ chức xây dựng, thẩm định, lấy ý kiến tham gia và hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán năm.

- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc kiểm toán nhà nước tổ chức xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán năm.

- Vụ Tổng hợp tổ chức thẩm định, tổng hợp, lập, gửi lấy ý kiến và hoàn thiện dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước.

Bước 3: Ban hành kế hoạch kiểm toán năm

- Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước được Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành trước ngày 31 tháng 12 năm trước.

- Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước sau khi Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành được công khai theo quy định.

(Điều 6 đến Điều 10 Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 02/2023/QĐ-KTNN)

2. Căn cứ lập kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn

Luật Kiểm toán nhà nướcLuật Phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước.

- Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước; kế hoạch thực hiện chiến lược từng giai đoạn của Kiểm toán nhà nước; kế hoạch kiểm toán trung hạn (đối với kế hoạch kiểm toán năm).

- Các văn bản quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách hàng năm, trung hạn, dài hạn của Trung ương và địa phương; thực tiễn quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách trong năm và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

- Yêu cầu thực tiễn và năng lực thực tế của Kiểm toán nhà nước.

- Các kế hoạch công tác của Kiểm toán nhà nước.

- Các văn bản yêu cầu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội và của các cơ quan chức năng có liên quan.

(Điều 4 Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 02/2023/QĐ-KTNN)

Quyết định có hiệu lực từ ngày 26/3/2023.

                                                                    Phòng Tư pháp tổng hợp

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh