Kinh tế - chính trị

Huyện Hoài Đức dự Hội nghị giao ban trực tuyến do Thường trực Thành ủy tổ chức
Ngày đăng 12/10/2024 | 09:30  | View count: 54

Chiều 11/10, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chủ trì giao ban quý III/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy kết nối 601 điểm cầu với hơn 9.000 đại biểu tham dự. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị.

Dự tại điểm cầu huyện Hoài Đức có đồng chí Trần Văn Nghĩa-Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Hoàng Trường-Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện, đại diện các ban xây dựng đảng, MTTQ, các đoàn thể và các ngành chuyên môn của huyện.

Đại biểu dự tại điểm cầu huyện Hoài Đức

Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 3 chủ đề chính, gồm: Kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội; Thúc đẩy triển khai kế hoạch tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố; Tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Vũ Đức bảo-UV BTV, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy báo cáo tại hội nghị

Về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, đồng chí Vũ Đức bảo-UV BTV, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết: Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 14-8-2023 về việc thực hiện Chị thị số 24-CT/TU. Đến nay, 50/50 đảng bộ trực thuộc, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, đơn vị của thành phố đã tổ chức 5.653 hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị cho trên 61,6 vạn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân viên, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thành phố. 118/118 đơn vị ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị, cụ thể hóa bằng việc ban hành 6.980 văn bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn, nhất là về 6 giải pháp và 25 biểu hiện vi phạm. Công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, kiện toàn theo hướng “một việc do một cơ quan đảm nhiệm”, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm.

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới, lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những việc lớn, việc khó, phức tạp của thành phố, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ của thành phố và địa phương, đơn vị. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cũng chỉ ra một số hạn chế. Đó là việc xây dựng chương trình công tác tại một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, dàn trải, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, còn chồng chéo nhiệm vụ; năng lực thực tế của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; công tác bố trí, sử dụng cán bộ có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường; công tác xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra công vụ của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Thời gian tới, Thành ủy sẽ tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU, Kế hoạch số 171-KH/TU. Thành ủy cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp trong Chỉ thị số 24-CT/TU; tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện, bổ sung các quy định của Thành ủy về công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của thành phố; tiếp tục nghiên cứu triển khai cụ thể hóa quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cho sự phát triển của Thủ đô. Tập trung huy động mọi nguồn lực thể chế hóa Luật Thủ đô; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ.

Đồng chí Lê Anh Quân-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội  báo cáo tại hội nghị

Báo cáo tóm tắt kết quả thúc đẩy triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025), đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết: Kế hoạch đầu tư công năm 2024 thành phố giao là 81.033,18 tỷ đồng (bằng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đến ngày 25/9/2024, lũy kế giải ngân của toàn thành phố là 29.647 tỷ đồng, đạt 36,6% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (ước đến hết tháng 9 là 43% so với tổng kế hoạch và 47,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Nhưng về giá trị giải ngân tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Bộ Giao thông vận tải) và cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4.588 tỷ đồng (lũy kế giải ngân kế hoạch năm 2023 đến ngày 30/9/2023 là 25.059 tỷ đồng, tương đương 47,2%). Trong đó, còn 33 đơn vị chưa đạt cam kết giải ngân với tổng giá trị giải ngân cần tăng thêm để đạt cam kết là 14.732 tỷ đồng, tương đương với 18,2% kế hoạch.

 Về kết quả triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố là 340.152,726 tỷ đồng, gồm: Cấp thành phố là 254.315,726 tỷ đồng, cấp huyện là 85.837 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố đến nay là 254.315,726 tỷ đồng đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 249.019,614 tỷ đồng, còn 5.296,112 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Thành phố đề ra 7 giải pháp thúc đẩy triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của thành phố. Trong đó, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc…

Đồng chí Nguyễn Việt Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội  báo cáo tại hội nghị

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, 2 năm qua, thành phố đã đạt được những kết quả về chuyển đổi số rõ rệt, cụ thể: Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc, trong đó riêng năm 2022 đã tăng đột phá 16 bậc so với năm 2021 (đánh giá và công bố năm 2023). Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam; đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử. Ngoài ra, về chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Hà Nội xếp hạng 5 trong số các nơi có lập trình viên giỏi nhất thế giới theo đánh giá của Pentalog.

Trên cơ sở khẳng định những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện 3 nội dung chính của buổi giao ban, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Hầu hết đại biểu tham luận đều khẳng định các cấp uỷ Đảng đều nhận thức rõ vị trí, vai trò và triển khai hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU tại Đảng bộ mình. Việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU cũng đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, phát động các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, xây dựng và triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Một số việc lớn, việc khó, quan trọng tồn tại từ nhiều năm của quận được chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc phức tạp đã được xử lý dứt điểm như trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng…

Đồng chí Nguyễn Hoàng Trường-Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức phát biểu tại hội nghị

Tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Trường-Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức khẳng định: huyện đã triển khai nghiêm túc các nội dung nhiệm vụ theo yêu cầu. Huyện cũng đã chủ động rà soát và báo cáo kịp thời với thành phố qua các Sở, ngành chuyên môn đối với những khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư công, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. 

Các đồng chí Chủ trì hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến-Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy biểu dương, ghi nhận những kết quả mà các địa phương, đơn vị đã thực hiện trong việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU; triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thời gian tới, Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Đối với việc tiếp tục triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023, đồng chí đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó, lưu ý quán triệt 25 biểu hiện nêu trong Chỉ thị số 24-CT/TU, gắn với đánh giá cán bộ để chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp trong Chỉ thị số 24-CT/TU và các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch số 171-KH/TU, trong đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính… Các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện, bổ sung các quy định của Thành ủy về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của thành phố; tiếp tục cụ thể hóa quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cho sự phát triển của Thủ đô.

Nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Luật Thủ đô năm 2024, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai ngay việc cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 gắn với công tác cải cách bộ máy, biên chế và phân cấp, ủy quyền. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; kịp thời có những phương án giải quyết hiệu quả những trường hợp cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vi phạm Chỉ thị số 24-CT/TU để thực hiện xử lý, thay thế, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Về thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch năm 2024, 2025 cấp thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, trên cơ sở việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và HĐND thành phố vừa thông qua, các địa phương, đơn vị tập trung hoàn tất hồ sơ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và tiến độ giải ngân, bảo đảm cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 17-NQ/TU của Thành ủy. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, khẩn trương có giải pháp cụ thể, phấn đấu đưa tỷ lệ giải ngân đạt được kết quả cao nhất.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy tiếp tục nâng cao nhận thức và đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh để đáp ứng được mục tiêu: Chuyển đổi số phải rút ngắn được quy trình, thủ tục giải quyết công việc; minh bạch, công khai quá trình phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính với tinh thần người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể sáng tạo. Cần đẩy mạnh phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó, tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội… Phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố Hà Nội đạt 30% như Nghị quyết đã đề ra, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp của thành phố ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững./.

Thanh Thạo

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh