Kinh tế - chính trị

Hoài Đức phát triển sản phẩm OCOP từ vùng trồng rau an toàn
Ngày đăng 28/08/2024 | 16:00  | View count: 21

Là vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn của Thủ đô, huyện Hoài Đức đã xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau an toàn liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên. Để giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2019 huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Tiền Lệ” và giao cho Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ sử dụng. Đến nay đã có 4 sản phẩm được UBND Thành phố đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao gồm: rau dền, rau mồng tơi, rau cải ngồng và rau cải mơ. Việc phát triển sản xuất rau an toàn gắn với thương hiệu OCOP đã góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp huyện phát triển theo hướng chất lượng cao, bền vững; tăng chất lượng, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị, hộ sản xuất; qua đó giúp nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nông dân.

Nông dân thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên thu hoạch rau sạch

Triển khai mô hình liên kết sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm nhà lưới, đường bê tông nội đồng, hệ thống giếng khoan, bể chứa phục vụ cho canh tác, sản xuất. Huyện cũng đầu tư xây dựng nhà sơ chế có diện tích 400m2. Nhờ đó, rau được sơ chế ngay sau thời điểm thu hoạch, khi phân phối tới người tiêu dùng sẽ đảm bảo tươi ngon.

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp thì khâu giám sát đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với HTX tuyên truyền, hướng dẫn bà con xã viên thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn, đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP. Qua đó người nông dân đã thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện tốt quy trình sản xuất là giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc sinh học, sử dụng biện pháp bẫy bả bằng bìa màu hạn chế côn trùng sâu bệnh; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, từ đó sản phẩm bán ra được dễ hơn, giá cao hơn so với thị trường.

Với vùng sản xuất tập trung quy mô trên 35ha, trong đó 33,5ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và 2,5ha nhà lưới, đến nay có 500 hộ dân trên địa bàn thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên tham gia sản xuất rau an toàn; năng suất trung bình đạt 3.500 tấn rau, củ, quả/năm, ước đạt 650 – 700 triệu đồng/ha. Rau an toàn Tiền Lệ hiện đang được 6 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu thường xuyên với sản lượng gần 50% tổng sản lượng. Nhờ đó, thương hiệu rau an toàn Tiền Lệ đã có mặt trên kệ nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, bếp ăn công nghiệp, trường học trên địa bàn Thành phố.

Rau an toàn Tiền Lệ được sơ chế, đóng gói trước khi phân phối ra thị trường

Mô hình sản xuất rau an toàn của HTX nông nghiệp Tiền Lệ không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn nông sản đảm bảo an toàn có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc và bảo đảm sức khỏe cho chính người nông dân tham gia sản xuất do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu hoá học có độ độc hại, nhất là đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn và liên kết chuỗi tiêu thụ; tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết tham gia vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho HTX và nông dân; chú trọng khâu sơ chế, đóng gói, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất, ứng dụng đồng bộ các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật; bảo đảm sản lượng, chất lượng khi cung cấp cho thị trường.

Phượng Nguyễn

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh