Kinh tế - chính trị
Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Di Trạch có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Cây táo đã xuất hiện ở Di Trạch cách đây hàng chục năm về trước nhưng giá bán rất rẻ, có lúc chỉ dao động từ 2.000 đến 3.000đ/kg, cao lắm cũng chỉ đến hơn 10.000 đồng/kg, quy mô sản xuất trước đây nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp nên nhiều hộ dân đã chuyển hướng trồng cây ăn quả khác. Vùng đất Di Trạch vốn có điều kiện khí hậu, đất đai rất phù hợp để trồng các loại cây ăn quả. Trong đó, nức tiếng với Ổi Lê, hồng xiêm, đu đủ. Tiếp tục đà phát triển đó, vào năm 2012, Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Di Trạch mua giống táo đại của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng trên diện tích gần 6ha với khoảng 15 hộ thử nghiệm.
Cây táo đại có khả năng thích nghi tốt với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Di Trạch, cây phát triển mạnh và mang lại năng suất cao. Mỗi hộ gia đình trong xã chỉ cần 1 - 2 gốc táo đại trong vườn cũng đã cho thu nhập đáng kể. Với giá bán táo hiện tại từ 50.000 đồng/kg trở lên. 1ha trồng khoảng 300 cây táo đại có thể thu về 600 - 700 triệu đồng trong 1 vụ. Cây táo đại giống ghép những năm đầu mới thu hoạch có thể cho năng suất 50kg/cây, cây 10 năm tuổi có thể thu được hơn 100kg/cây.
Giống táo đại trồng tại địa phương được Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Di Trạch mua của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Lợi thế của cây táo đại nằm ở kỹ thuật trồng đơn giản, ít sâu bệnh và có thể phát triển tốt ngay cả với giống cây chiết, ghép cành. Mùa trồng bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm và sau khoảng 9 - 10 tháng, tức vào tháng 12 cây táo đã có thể cho thu hoạch bói. Với quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, Hợp tác xã Di Trạch dùng 100% phân bón hữu cơ kết hợp với phân chuồng được ủ hoai mục để bón cho cây, nước tưới được lấy từ nguồn nước sạch, nước mặt đảm bảo sạch sẽ. Hợp tác xã ưu tiên sử dụng thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh, khi thật sự cần thiết mới phải dùng tới các thuốc bảo vệ thực vật sinh học nằm trong danh mục cho phép theo quy trình sản xuất VietGAP.
Nhằm nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác, tận dụng thời điểm sau khi thu hái, một vài hộ còn trồng xen canh các loại cây rau màu, lạc, đỗ, cây dược liệu... dưới gốc cây táo. Sau khi thu hoạch, người trồng sử dụng lá, thân, rễ của các loại cây rau màu, cây dược liệu... làm phân bón cho cây táo. Từ đó, giúp tận dụng được nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí và công chăm sóc. Với cách làm này, diện tích đất nông nghiệp được sử dụng tối đa, việc xen gối vụ vừa tăng thu nhập, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất.
Những vườn táo của hội viên Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Di Trạch sai trĩu quả
Năm 2023, sản phẩm táo của Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Di Trạch đạt OCOP 3 sao, đó là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các hộ dân trong Hợp tác xã. Thương hiệu đại táo không chỉ đơn thuần là một sản phẩm nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của người dân Di Trạch, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và văn hóa của vùng đất này.
Những ngày giáp Tết, về đến Di Trạch, ta thấy không khí tất bật thu hái táo tại các khu vườn của người nông dân. Nhờ được chăm sóc cẩn thận nên vườn táo đại của các hội viên Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Di Trạch phát triển tốt, mướt xanh và trĩu quả. Quả táo đại trước khi tiêu thụ ra thị trường đều được kiểm tra chất lượng chặt chẽ, không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Táo đại Di Trạch có nhiều đặc điểm nổi trội, quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ. Đây là loại quả giàu vitamin, chất xơ, có lợi cho hệ tiêu hóa và hỗ trợ giảm cân nên rất được ưa chuộng. Những quả táo đại đẹp nhất, ngon nhất được người dân Di Trạch chăm sóc dành để đón Tết. Không chỉ là loại trái cây sử dụng hằng ngày, táo còn được tuyển chọn, đóng hộp để làm quà biếu vừa giúp tạo ấn tượng đối với người nhận, vừa giúp quảng bá thương hiệu của vùng đất Di Trạch một cách hiệu quả.
Cùng với ổi lê, táo đại đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triển của vùng đất nông nghiệp Di Trạch. Những vườn táo xanh ngắt cho trái ngọt với chất lượng cao không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho hàng trăm hộ nông dân ở Di Trạch mà còn đang từng ngày góp phần làm cho vùng nông thôn ven đô đẹp hơn, xanh hơn. Điều đó càng ý nghĩa khi vùng quê Di Trạch hôm nay có tốc độ đô thị hóa nhanh với sự hình thành nhiều khu đô thị sầm uất. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát triển vùng trồng cây ăn quả càng giúp diện mạo Di Trạch thêm xanh, thêm sinh động...
Thời gian tới, Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Di Trạch tiếp tục nâng tầm thương hiệu táo đại VietGAP Di Trạch
Thời gian tới, Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Di Trạch tiếp tục hỗ trợ tất cả các hộ trồng táo đại chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao; Hoàn thiện bao bì, nhãn mác để tăng tính nhận diện, tạo niềm tin với người tiêu dùng, từ đó nâng tầm thương hiệu táo đại VietGAP Di Trạch để cây trồng chủ lực này làm giàu cho người dân và làm đẹp cho quê hương.
Hương Đỗ
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |