Kinh tế - chính trị

Hội nghị xúc tiến thương mại và xuất khẩu nhãn chín muộn Hà Nội năm 2019
Ngày đăng 06/09/2019 | 17:12  | View count: 1159

Sáng 6/9, tại UBND huyện Hoài Đức, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và xuất khẩu nhãn chín muộn Hà Nội năm 2019. Dự có ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Xuân Đại- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các đồng chí đại diện lãnh đạo các phòng, ban của Sở, ngành Thành phố. Về phía huyện Hoài Đức, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Lưỡng- Phó Bí thư Huyện ủy, đồng chí Đỗ Đức Trung- Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện.

Đại biểu tham dự

Theo số liệu thống kê của Cục thống kê Hà Nội, năm 2018, diện tích cây ăn quả Hà Nội là 18.796ha, trong đó cây nhãn chiếm 1.802ha, đứng thứ 3 trong số các cây ăn quả có diện tích lớn, sản lượng hàng năm đạt 18.000 tấn, cơ cấu giống nhãn gồm: nhãn chín muộn, nhãn chín sớm, nhãn ta, nhãn miền thiết, nhãn thóc…

Khu trưng bày sản phẩm

Nhãn chín muộn của Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống HTM1 và HTM2 với diện tích khoảng 600ha được trồng tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ. Sản lượng nhãn chín muộn đạt 9.000-10.000 tấn, thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/ha/năm; một số vườn tiêu biểu cho thu nhập từ 700-800 triệu đồng/ha/năm. Theo quy hoạch đến năm 2020, một số vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung của Hà Nội là: Vùng Nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức, bao gồm các xã An Thượng, Đông La, Song Phương, diện tích quy hoạch 250 ha; Vùng Nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai tại xã Đại Thành với diện tích quy hoạch 200ha; Vùng Lam Điền, Thụy Hương, Phụng Châu- huyện Chương Mỹ, diện tích quy hoạch 100ha.

Ông Nguyễn Xuân Đại- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Sản phẩm Nhãn chín muộn Hà Nội chủ yếu bán tươi, ít sơ chế, chế biến (khoảng 3-5% sản phẩm nhãn chế biến thành long nhãn) và được tiêu thụ chủ yếu ở trong nước. Những năm gần đây, Nhãn chín muộn Hà Nội đã được đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường quốc tế. Năm 2016, Hà Nội xuất khẩu hơn 5.000kg nhãn sang thị trường Malaysia; năm 2018, 19 tấn nhãn đã được xuất khẩu sang Mỹ và Ba Lan. Năm 2019, Công ty Cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam cũng đã thành công trong việc đưa sản phẩm Nhãn chín muộn Hà Nội sang thị trường Australia.

Đ/c Đỗ Đức Trung- Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Hội nghị

Đối với Hoài Đức, hiện có trên 180ha diện tích trồng nhãn các loại, trong đó nhãn chín muộn chiếm 138ha, tập trung ở các xã Song Phương, An Thượng, Đông La. Năm 2013, Nhãn chín muộn Hoài Đức đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Năm 2018, Nhãn chín muộn Hoài Đức được lựa chọn xuất khẩu sang Malaysia. Hiện nay, việc ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đang được các hộ nông dân trong huyện đẩy mạnh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế.

Lễ cắt băng chúc mừng

Hội nghị cũng đã công bố và cắt băng chúc mừng sản phẩm Nhãn chín muộn Hà Nội năm 2019 đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Australia./.

Thanh Hồng

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh