Kinh tế - chính trị

Hoài Đức 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI), ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ngày đăng 01/11/2018 | 14:32  | View count: 4730

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW  về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là cơ sở quan trọng để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ, củng cố niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Xác định ý nghĩa quan trọng đó, ngay sau khi có Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI), Ban Thường vụ huyện ủy Hoài Đức đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ huyện đến cơ sở. Chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, xây dựng chương trình kế hoạch, tổ chức phổ biến quán triệt đến cán bộ đảng viên, đoàn viên, và nhân dân hiểu rõ quan điểm, ý nghĩa, mục đích, nội dung; nhận thức được quyền và trách nhiệm trong thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI).

Qua 5 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, Chính quyền từ huyện đến cơ sở, đã nâng cao nhận thức trong việc thực hiện Quy chế, Quy định về Giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân, phát huy vai trò tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, phương thức, và cách thức triển khai thực hiện. Huyện đã thành lập hội đồng tư vấn và phản biện xã hội gồm 9 thành viên, hướng dẫn 20/20 xã thị trấn thành lập tổ tư vấn và phản biện xã hội tại cơ sở. Chỉ đạo các địa phương bố trí hòm thư đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đặt tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác Dân vận, trong đó có 7 lớp chuyên đề về công tác Giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cho 1.230 đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở.

Hàng năm MTTQ và các đoàn thể chính trị chủ động phối hợp với HĐND và UBND nhân dân huyện, các Ban của HĐND tổ chức nhiều cuộc giám sát theo từng chuyên đề và theo chức năng nhiệm vụ được giao. Cụ thể phối hợp với thường trực HĐND huyện tổ chức 85 cuộc giám sát về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng trường chuấn quốc gia, công tác tiếp dân và trả lời đơn thư, khiếu nại tố cáo; 09 cuộc giám sát chuyên đề tại các xã, thị trấn, về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Quyết định, Kết luận có hiệu lực thi hành. Phối hợp với phòng Quản lý Đô thị tiến hành 03 cuộc kiểm tra giám sát triển khai thực hiện đợt cao điểm tập trung đảm bảo trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, đường làng ngõ xóm. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giam, tạm giữ các đối tượng có hành vi phạm tội. Phối hợp với Liên Đoàn Lao động huyện kiểm tra giám sát 128 đơn vị doanh nghiệp về thực hiện chính sách xã hội cho người lao động. Mỗi năm tổ chức 20 cuộc giám sát tại các cơ sở hội Nông dân trong huyện, về tình hình kết quả sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Từ năm 2014 đến nay cùng với hội Cựu chiến binh tổ chức 54 cuộc giám sát về thực hiện Nghị định số 150/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh Cựu chiến binh, chế độ chính sách liên quan đến cựu chiến binh và nguồn vốn vay tại các hội cơ sở. Cùng với hội Phụ nữ huyện tổ chức 5 cuộc giám sát việc thực hiện quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các chợ trên địa bàn 2 xã Đức Giang và Song Phương.

Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, thị trấn phát huy được chức năng nhiệm vụ của mình trong tham gia giám sát các hoạt động đầu tư xây dựng có vốn của nhà nước và nhân dân đóng góp. Từ năm 2015 đến nay đã tham gia 570 cuộc giám sát thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng 312 công trình đầu tư xây dựng, từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng công trình, chống tiêu cực lãng phí.

Công tác phản biện xã hội hàng năm được huyện Hoài Đức chú trọng. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, hội đồng tư vấn và nhân dân trong hoạt động phản biện xã hội. Hoài Đức đã tổ chức được 120 hội nghị phản biện xã hội (Trong đó cấp huyện tổ chức 8 hội nghị, cấp xã tổ chức 112 hội nghị ) và đã có 656 ý kiến của cán bộ hội viên, đoàn viên và nhân dân trong huyện đóng góp vào các dự thảo, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Trong 2 năm 2017- 2018 huyện đã tổ chức và chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tốt hội nghị tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân. Tại hội nghị cấp huyện đã có 946 đại biểu tham dự với 26 lượt ý kiến đóng góp, tại cấp xã, thị trấn có gần 5.000 đại biểu tham dự với hơn 350 lượt ý kiến đóng góp tập trung vào các nhóm vấn đề : Công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất dịch vụ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vệ sinh môi trường, quốc phòng an ninh, các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới…Hội nghị đối thoại đã thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được trực tiếp lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất, cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề mà nhân dân quan tâm, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận trong hành động, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội theo chức trách nhiệm vụ được giao. Thông qua các hình thức như tổ chức giám sát theo nội dung chương trình kế hoạch, tổ chức đối thoại trực tiếp, qua hòm thư góp ý, đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước. 9 tháng đầu năm 2018 có 294/294 thủ tục hành chính của huyện được đưa ra tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa đạt 100%; bộ phận một cửa của huyện đã tiếp nhận 2700 hồ sơ (bao gồm tiếp nhận mới 2571 hồ sơ và 129 hồ sơ kỳ trước chuyển sang), đã giải quyết 2642 hồ sơ, đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết trong hạn trên 97%. Từ năm 2017 Hoài Đức đã triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 3 ở các lĩnh vực là: Văn hóa thông tin, Lao động thương binh và xã hội, Tài nguyên môi trường, Quản lý đô thị, Tài chính kế hoạch,  Giáo dục - đào tạo,  Nội vụ, và Tư pháp. Tỷ lệ thu gom rác thải là 94,5%, tiết kiệm chi ngân sách năm 2017 đạt trên 24,6 tỷ đồng. Trên các lĩnh vực Quản lý sử dụng đất đai, Trật tự xây dựng, triển khai giao đất dịch vụ theo Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ, công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư kiếu nại tố cáo của công dân, đã có nhiều chuyến biến tích cực.

Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI). Huyện ủy huyện Hoài Đức đã đề ra nhiệm vụ và các giải pháp: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng quan điểm, nội dung, các quyết định của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội, trong cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, gắn với thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền. Mở rộng lĩnh vực phản biện xã hội, thực hiện tốt việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, đáp ứng với công tác giám sát, phản biện xã hội,  xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền trong sạch vững mạnh./.

LTN  

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh