Văn hóa - xã hội
Là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, văn hiến, trên địa bàn huyện hiện có 269 di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng gồm: 47 đình, 19 quán, 77 chùa, 26 đền và 100 di tích lăng, miếu, từ đường, mộ,… Đến nay có 111 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 69 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 42 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Ngoài ra trên địa bàn huyện có 54 lễ hội truyền thống mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện quan tâm; đi vào nề nếp. Nhận thức về công tác bảo tồn di tích được nâng cao, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương ngày càng chặt chẽ đã góp phần tạo hiệu quả trong hoạt động quản lý, giám sát di tích. Hàng năm, UBND huyện triển khai hệ thống các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích, bảo vệ di vật, hiện vật, đảm bảo an toàn, an ninh tại di tích và trong hoạt động lễ hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về di sản được quan tâm, chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phân nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. 100% các xã, thị trấn đã thành lập, kiện toàn Ban Quản lý di tích và căn cứ tình hình đặc điểm thực tế của địa phương để thành lập các Tiểu ban quản lý di tích đã đóng góp tích cực vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Di tích Quán Giá, xã Yên Sở - nơi thờ danh tướng Lý Phục Man
Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho di tích được đặc biệt chú trọng. Lực lượng cán bộ địa phương, người trực tiếp trông nom di tích và các thành phần trong Ban quản lý di tích, Tiểu ban quản lý di tích được tập huấn thường xuyên về đảm bảo an toàn, an ninh, gia cố hệ thống tường bao, cửa, sử dụng điện an toàn, bố trí sắp xếp nơi thờ tự khoa học đảm bảo vệ sinh, phòng chống cháy nổ. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật, di vật đồ thờ; không xảy ra hoả hoạn, cháy nổ, mất an toàn an ninh tại di tích. Việc bổ sung đồ thờ, hiện vật vào di tích cũng được UBND huyện chỉ đạo sát sao, quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thành phố, hướng dẫn của sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Trước thực trạng hệ thống di tích trải qua thời gian tồn tại lâu dài bị xuống cấp, công tác tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích được chính quyền và nhân dân các cấp huyện Hoài Đức quan tâm, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, tuân thủ các quy định liên quan nhằm gìn giữ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích đồng thời tạo nên sự khang trang, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng và là tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong giai đoạn 2015-2020, UBND huyện đã thực hiện tu bổ 15 di tích với tổng số tiền đầu tư 388 tỷ đồng; giai đoạn 2022-2025 có 53 di tích được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng số vốn 584.325 tỷ đồng.
Khởi công dự án xây dựng, tu bổ di tích cấp Quốc gia Đình Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi tháng 4/2024
Hiện nay, 100% các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện do UBND huyện quản lý về nhà nước và giao UBND các xã, thị trấn quản lý, sử dụng, đảm bảo theo quy định. Đối với các di tích chưa được xếp hạng, UBND huyện giao địa phương quản lý toàn diện, chủ động khai báo về di tích và đề xuất xếp hạng lên cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại cũng như ngăn ngừa các hành vi vi phạm di tích.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện gặp một số hạn chế bởi có những di tích chưa được bổ sung vào Danh mục kiểm kê di tích khiến công tác quản lý khó khăn. Tại một số cơ sở sinh hoạt tôn giáo, việc bổ sung di vật, đồ thờ hoặc tu bổ chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá ở trên địa bàn, trong thời gian tới UBND huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các văn bản pháp luật khác có liên quan; nâng cao chất lượng hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành Thành phố thực hiện rà soát Danh mục kiểm kê di tích ở trên địa bàn huyện để kịp thời bổ sung, sửa chữa một số thông tin của di tích; bổ sung các di tích vào danh mục kiểm kê cũng như điều chỉnh giảm đối với những di tích trong danh mục kiểm kê không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Phượng Nguyễn
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |