Quy hoạch - đô thị
Sáng 18/10, UBND huyện Hoài Đức tố chức Hội thảo báo cáo phương án di dời di tích Gói thầu "Khai quật di dời di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thuộc phạm vi dự án xây dựng tuyến đường vành đai 3.5 (các đoạn Km0+ 600 - Km1+700; Km2+050- Km2+550; Km3+340- Km5+500), huyện Hoài Đức". Tiến sĩ Hà Văn Cẩn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học; Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và đồng chí Nguyễn Anh - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức chủ trì hội thảo. Cùng dự có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo một số phòng, ban, ngành chức năng huyện; lãnh đạo xã Kim Chung và thôn Lai Xá.
Đại biểu dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Anh - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức nhấn mạnh: Di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức được các nhà khoa học phát hiện từ năm 1969 và đã qua nhiều lần khảo cổ. Đây là di tích có giá trị quan trọng chứa dựng nhiều giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn - Đông Sơn phát triển liên tục trong suốt thời đại Kim khí ở Hà Nội và miền Bắc Việt Nam. Khi triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 3,5, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, UBND thành phố Hà Nội đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đánh giá giá trị di tích. Theo đánh giá, diện tích phân bố di tích ở gò Vườn Chuối là 12.000m2, trong đó 1/2 diện tích phía Đông di tích nằm trong phạm vi công viên của Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và 1/2 diện tích còn lại ở phía Tây di tích nằm trong phạm vi đường Vành đai 3.5 của thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Anh - Ủy viên BTVHU, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức
phát biểu khai mạc hội thảo
Căn cứ đề xuất của nhóm công tác, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan cho phép thực hiện phương án bảo tồn 6.000m2 phía Đông di tích làm Công viên Di sản văn hóa và khai quật di dời 6.000m2 phía Tây di tích phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5. Sau khi tham khảo và nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan và các nhà nghiên cứu chuyên môn, phương án trên đã được UBND thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận. Trong đó, UBND huyện Hoài Đức được giao nhiệm vụ rà soát, lập, phủ duyệt phương án và tổ chức khai quật, di dời di tích, di vật tại khu vực nửa phía Tây khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thuộc phạm vi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32. Từ cuối tháng 3/2024, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Hà Nội và Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện công tác khai quật hiện trường và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tiến sĩ Hà Văn Cẩn - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học
điều hành nội dung Hội thảo
Báo cáo phương án di dời di tích gói thầu khai quật di dời di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thuộc phạm vi dự án xây dựng tuyến đường vành đai 3.5, ông Nguyễn Ngọc Quý - Đại diện đơn vị chủ trì khai quật cho biết: Căn cứ phương án di dời và bảo quản hệ thống di tích, di vật ở phía Tây Vườn Chuối đã được phê duyệt, Đoàn công tác đã lập kế hoạch di dời các di tích, di vật tại hiện trường. Cụ thể, đối với di tích mộ táng, những di cốt còn khả năng nghiên cứu sẽ được đóng hộp chuyển vào kho tạm chờ chuyển giai đoạn chỉnh lý để tiếp tục nghiên cứu về hình thái nhân chủng, vận động, bệnh lý, chế độ dinh dưỡng... Trường hợp những ngôi mộ tiêu biểu, có giá trị nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị sẽ được cắt bảo quản nguyên khối chuyển giai đoạn chỉnh lý nếu có ý kiến của Bảo tàng Hà Nội và các chuyên gia nhân chủng. Những ngôi mộ có di cốt không còn khả năng nghiên cứu sâu sẽ được hoàn táng tại nghĩa trang thôn Lai Xá sau khi đã xử lý xong và thu thập thông tin cần thiết tại hố khai quật.
Di vật khảo cổ bao gồm các loại chất liệu: đá, gốm, gỗ, xương, đồng, sắt... được sử dụng làm đồ gia dụng, dụng cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức... Các loại hình hiện vật này đã được lấy lên khỏi lòng đất ngay trong quá trình khai quật và đóng vào các khay, hộp lưu giữ trong kho tạm.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu phát biểu tại Hội thảo
Để công tác khai quật di dời nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối thực hiện và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, Viện Khảo cổ học đề nghị UBND huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức xem xét, phê duyệt phương án xây dựng và bổ sung kinh phí thực hiện công tác xây dựng khu mồ mả phục vụ bảo quản và hoàn táng di cốt tại nghĩa trang đã phát Lai Xá; bổ sung kinh phí thực hiện công tác di dời di tích, di vật ở khu vực các hố khai quật năm 2019 với tổng diện tích 200m2. Đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội nghiên cứu, tham mưu trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và xây dựng hồ sơ khoa học di tích, di vật khai quật ở phía tây di chỉ Vườn Chuối. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức đẩy nhanh việc công nhận di chỉ Vườn Chuối là di tích cấp Thành phố và có kế hoạch bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Một số hình ảnh tại di chỉ Vườn Chuối
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan chức năng đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện phương án di dời giúp đoàn khai quật hoàn thành nhiệm vụ chuyển di tích, di vật bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội thực hiện giai đoạn chỉnh lý. Công tác khai quật di dời phía Tây di chỉ Vườn Chuối phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng Dự án đường Vành đai 3,5 là cuộc khai quật có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp thêm nhiều tư liệu quý báu trong việc nghiên cứu làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối; làm sáng rõ hơn bức tranh toàn cảnh của vùng đất Hà Nội và những đóng góp của nó vào sự hình thành và phát triển rực rỡ của nền văn minh sông Hồng; lần đầu tiên một di tích khảo cổ học tiền sơ sử - một ngôi làng cổ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng được khai quật nghiên cứu khảo cổ với quy mô lớn, được nghiên cứu toàn diện, tổng thể. Kết quả nghiên cứu hứa hẹn không những đóng góp thêm những tư liệu quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vườn Chuối mà còn đóng góp thêm những tư liệu quý báu vào lịch sử Việt Nam ở thời kỳ tiền Nhà nước và giai đoạn Nhà nước sớm. Những di tích, di vật thu được từ cuộc khai quật với nhiều loại hình đa dạng sẽ đóng góp số lượng hiện vật chất lượng phục vụ trưng bày, tuyên truyền, giáo dục và quảng bá về giai đoạn Tiền sơ sử ở khu di chỉ Vườn Chuối và về Tiền Sơ sử ở Thủ đô Hà Nội.
Phương Lan
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |