Kinh tế - chính trị

Hoài Đức thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, bền vững
Ngày đăng 06/09/2024 | 14:41  | View count: 91

Một trong những chương trình hành động trọng tâm chung của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Xác định tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nền tảng then chốt, huyện Hoài Đức chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, bền vững.

Báo cáo về những kết quả đạt được trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Chương trình số 10-CTr/HU ngày 20/7/2021 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên địa bàn huyện Hoài Đức giai đoạn 2021-2025” cho biết: Tăng trưởng sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng năm của huyện đạt từ 2,5 - 3,0%. Tăng trưởng bình quân năm 2023 là 1,24%, so với mục tiêu Chương trình đạt 45,1%. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021-2023 đạt 3.869 tỷ đồng.

Tỷ lệ tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Kết quả thực hiện tỷ lệ tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được ứng dụng công nghệ cao đạt trên 75%. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực gồm: Rau an toàn, Bưởi đường, bưởi Diễn, Ổi, Táo, hoa Lan. Các hình thức, phương thức được triển khai ứng dụng là Nhà lưới, áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng (IPM), quản lý sức khoẻ cây trồng (IPHM); Tưới bằng máy; phun thuốc BVTV bằng máy, ứng dụng sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ,...

Nông dân Hoài Đức chuyển đổi nông nghiệp theo hướng phát triển

Nhờ có sự đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hoài Đức đã thu được những kết quả đáng phấn khởi trong từng nhóm kinh tế nông nghiệp. Đối với sản xuất rau, hiện nay toàn huyện có 422 ha diện tích rau chuyên canh tập trung tại các xã vùng bãi sông Đáy. Trong đó, Diện tích rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP 34,76 ha. Diện tích rau áp dụng Hệ thống đảm bảo có sự tham gia theo chuỗi PGS 140ha. Sản xuất rau hàng năm cho thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/ha/năm.

Trong nhóm sản xuất quả, toàn huyện có 1.162,71 ha, tập trung tại các xã vùng bãi như Yên Sở, Cát Quế, An Thượng, Đắc Sở, Đông La, Song Phương, D Dương 3 Liễu... Một số cây ăn quả chủ lực như: bưởi 378,6 ha, Nhãn 143,8 ha, ổi 412,1 ha, táo 120,9 ha,... Sản lượng một số cây ăn quả đạt: Bưởi 6.875 tấn, Nhãn 942 tấn, táo 834 tấn, ổi 5.769 tấn. Trong đó 03 sản phẩm gồm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, Phật thủ Đắc Sở, bưởi đường Quế Dương đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ bảo hộ và cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể; 01 mô hình sản xuất Bưởi an toàn 25 ha tham gia theo hệ thống PGS, diện tích sản xuất quả theo tiêu chuẩn VietGAP là 38,11 ha và mô hình sản xuất nho hạ đen, nho mẫu đơn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm tại xã An Thượng. Sản xuất quả hàng năm cho thu nhập từ 400 đến 600 triệu đồng/ha.

Phát triển các loại cây ăn quả thế mạnh

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện hiện nay được thực hiện trên diện tích 3,3 ha tập trung tại xã Cát Quế và Yên Sở. Diện tích cấp mã số vùng trồng nội tiêu của 12 đơn vị là 51,8 ha và diện tích cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây bưởi là 26,32 ha tại 2 xã Yên Sở và Cát Quế. Hiện nay, trái bưởi của Hoài Đức đã được xuất khẩu sang 2 thị trường Trung Quốc và EU. Đặc biệt, ngày 26/12/2023, UBND huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “La Tinh, Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường của huyện Hoài Đức.

Là huyện không nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi của Thành phố, do vậy huyện không khuyến khích phát triển chăn nuôi tại các xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị. Do vậy cơ cấu chăn nuôi của huyện giữ nguyên như hiện trạng, từng bước giảm dần về quy mô. Cơ cấu đàn vật nuôi tập trung vào phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt, lợn thịt, gia cầm thương phẩm với những giống vật nuôi có chất lượng cao; xử lý chất thải triệt để, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn hoàn thành tổng vệ sinh, tiêu độc trước và sau Tết Nguyên đán, tiêu độc sau tiêm phòng đại trà và tiêu độc diệt ruồi muỗi bằng hóa chất, vôi bột; tổ chức tiêm phòng sớm cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Chi cục Chăn nuôi thuỷ sản và Thú y Hà Nội. Theo rà soát, hiện nay, tổng đàn trâu, bò 2.900 con, tổng đàn lợn 29.024 con, tổng đàn gia cầm ước khoảng: 373.829 con.

Ngành chăn nuôi cũng được chuyển đổi

Hiện nay, toàn huyện đã có 114 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Xây dựng được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gồm: Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại An Khánh đặt ở khu đô thị mới Bắc An Khánh, xã An Khánh. Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Di Trạch đặt ở Công ty CPTP Minh Dương, Cụm Công nghiệp Di Trạch, xã Di Trạch. Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Khu đô thị An Lạc, xã Vân Canh. Tiếp tục duy trì và phát triển Mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng đã được công nhận tại Quyết định 717/QĐ-SCT ngày 28/12/2023 của Sở Công thương Hà Nội’’.

Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP

Phát huy những kết quả đạt được, huyện tiếp tục đề ra những mục tiêu trong cơ cấu lại ngành nghề nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm; duy trì các chuỗi liên kết hiện có để giúp nông dân tiêu thụ nông sản ổn định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng sinh thái, hiện đại, an toàn gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Hương Đỗ

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh