Kinh tế - chính trị
Sáng 11/9, UBND huyện Hoài Đức tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn huyện. Dự tại điểm cầu huyện có đồng chí Nguyễn Trúc Anh - Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Trần Văn Nghĩa - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Hoàng Trường - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND huyện và trưởng, phó các phòng, ban, cơ quan huyện. Tại điểm cầu các xã, thị trấn có các đồng chí Thường trực Đảng uỷ, lãnh đạo UBND, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự, Trưởng Công an và cán bộ chuyện môn xã, thị trấn.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện thông qua báo cáo
Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Hoài Đức cho biết: Tính đến 9h00 ngày 11/9, lượng mưa bình quân là 255 mm. Mực nước đo được tại các cống Cầu Sa: 5,5/5,8; Đào Nguyên: 5,2. Mực nước sông Đáy đã đạt mức báo động II từ 17h20 ngày 10/9/2024.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ sáng sớm ngày 10/9 đến sáng 12/9 trên địa bàn thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 80 - 150mm, có nơi trên 250mm.
Đại biểu xã và đại diện các ngành chức năng huyện phát biểu ý kiến
Triển khai ứng phó tình hình mưa, úng lụt, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã ban hành 03 Công điện và các văn bản, trong đó giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành và đơn vị liên quan sẵn sàng triển khai phương án, kế hoạch đảm bảo công tác ứng phó tình hình mưa úng lụt trên địa bàn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoài Đức đã ban hành 10 văn bản yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, sẵn sàng triển khai kịp thời hiệu quả các phương án, kế hoạch, biện pháp ứng phó với mưa, úng lụt. Phòng Kinh tế đã ban hành 04 văn bản về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, công trình thuỷ lợi đề phòng, chống ngập úng, lụt,...
Đồng chí Nguyễn Trung Thuận – UV BTV HU, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu ý kiến
Để chủ động ứng phó với mưa, úng lụt (nước dâng trên sông Đáy), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã ban hành Văn bản số 23/BCH ngày 09/9/2024 về việc báo động I và số 26/BCH ngày 11/9/2024 về việc báo động II trên sông Đáy yêu cầu UBND các xã Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, Vân Côn, Đông La triển khai, thực hiện. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã nội dung Lệnh báo động lũ trên sông Đáy để nhân dân biết chủ động các biện pháp ứng phó. Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt diễn biến mực nước sông Đáy, chủ động các biện pháp, giải pháp để di dời người, tài sản của các hộ dân sinh sống ven sông Đáy đến nơi an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do ngập úng gây ra. Phân công trực ban theo quy định, chỉ đạo lực lượng tuần tra, canh gác tại các điếm canh đê ứng trực 24/24h, tổng hợp thiệt hại (nếu có) báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện.
Đồng chí Nguyễn Anh – UV BTV HU, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu ý kiến
Trên địa bàn huyện có 14 điếm canh đê, đã bố trí 28 người thường trực tại các điếm, 13 cầu qua sông Đáy, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã ven sông lập 13 chốt kiểm soát cầu qua sông Đáy, hiện có 12 cầu bị ngập thuộc xã Vân Côn, Dương Liễu, Đông La, Yên Sở, Đắc Sở, An Thượng, Cát Quế,… UBND các xã đã lập hàng rào chắn, cắm biển, cử lực lượng tuần tra, canh gác và cấm người dân và phương tiện đi qua để đảm bảo an toàn.
Đồng chí Trần Văn Nghĩa - Phó Bí thư TT Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu chỉ đạo
Đối với các hộ dân sinh sống ven sông và bên kia sông Đáy, thôn Cù Sơn, xã Vân Côn hiện có 192 hộ với 817 nhân khẩu, trong đó 112 học sinh tiểu học và THCS xã đã hợp đồng xe đưa đón học sinh đến trường. Tính đến 9h00 ngày 10/9 đã di dời 03 hộ dân. Thôn Sơn Hà, xã Đắc Sở 200 học sinh tiểu học và THCS xã, phụ huynh đã đưa các cháu đi học vòng qua Đại lộ Thăng Long. Đối với Thôn 9, xã Yên Sở, 50 học sinh tiểu học và THCS xã đã hợp đồng xe đưa đón học sinh đến trường. Thôn 8, thôn 9, xã Cát Quế có 36 hộ với 150 nhân khẩu sinh sống tại ven sông, nước ngập đến sân. Thôn Hoà Hợp, thôn Me Táo, xã Dương Liễu hiện có 4 hộ với 200 nhân khẩu, sinh sống tại ven sông, nước ngập đến vườn nhà. Xóm 3, 4, thôn Đồng Nhân, xã Đông La có 689 hộ với 2.604 nhân khẩu. Tính đến 20h15′ ngày 10/9 đã di dời 60 người ra khỏi khu vực ngập úng và đã có thông báo đến các hộ thuộc khu vực xóm 3,4; chủ động di dời người và tài sản khi có lệnh.
Đồng chí Nguyễn Trúc Anh - Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ phát biểu chỉ đạo
Theo báo cáo của UBND các xã, tổng diện tích thiệt hại về lúa, hoa màu, cây ăn quả, thuỷ sản là 847,2 ha; gia súc, gia cầm thiệt hại 830 con. Hiện tại trên địa bàn huyện có một số điểm bị ngập úng cục bộ như khu đô thị Geleximco, hầm chui qua cầu An Khánh, đường 32 đoạn qua thôn Lai xá, xã Kim Chung và khu chung cư Tân Việt, xã Đức Thượng, đoạn đường Trịnh Văn Bô kéo dài qua xã Vân Canh, chung cư Vân Canh, đường trục xã Lại Yên,... ngập khoảng 30-50cm. UBND các xã đã cử lực lượng phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Trường - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Trường - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân huyện nhà trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn. Những ngày tới, đồng chí Chủ tịch UBND huyện yêu cầu duy trì chế độ trực 24/24h tại Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, các xã, thị trấn, các chốt. Các xã vùng bãi cần lên phương án từng cấp độ đối với các khu dân cư, ngoài bãi để từng bước di chuyển dân cư đến các nơi an toàn; duy trì kiểm soát tốt hệ thống điện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện giao Phòng Kinh tế huyện, các cơ quan, UBND các xã, thị trấn tham mưu điều tiết tốt về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nhằm đảm bảo đời sống nhân dân. Phòng Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện khi xảy ra thiên tai. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm soát tốt việc thu gom rác thải. Ban chỉ huy Quân sự, Công an huyện cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời đảm bảo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan khác.
Phương Lan
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |