Cải cách hành chính

Hoài Đức đẩy mạnh chuyển đổi số - chuyển đổi nhận thức từ cán bộ đến người dân
Ngày đăng 17/10/2024 | 13:23  | View count: 84

Thời gian qua, huyện Hoài Đức tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, bước đầu đạt kết quả tích cực. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến về công tác chuyển đổi số trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển nhanh, bền vững.

Thực hiện chủ trương Chuyển đổi số, huyện Hoài Đức đã tích cực tuyên truyền phổ biến thông tin, tổ chức tập huấn kỹ năng Chuyển đổi số tới các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Hiện, 100% cán bộ được cấp hòm thư điện tử chuyên dụng; 100% cán bộ công chức, các phòng ban, UBND các xã thị trấn, bộ phận “một cửa” đã đăng ký và sử dụng chữ ký số. Việc lấy ý kiến người dân được sử dụng bằng công nghệ thông tin. 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; công khai mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Số hóa, xây dựng hệ thống lưu trữ điện tử cho các tài liệu, thông tin quản lý, quy trình thủ tục. 100% văn bản của huyện được lưu trữ dưới dạng điện tử trên hệ thống phần mềm phục vụ tra cứu tìm kiếm qua mạng; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đầu tư hạ tầng và nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả 95% hồ sơ công việc tại UBND huyện; 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 95% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

Để thực hiện việc chuyển đổi số, huyện Hoài Đức phát triển các ứng dụng cho chính quyền số, xã hội số, kinh tế số. Mục tiêu nhằm chuyển đổi về mặt nhận thức; phát triển hạ tầng số và nâng cấp hệ thống an toàn thông tin. Cụ thể, đến năm 2024, huyện Hoài Đức chuyển đổi Ipv4 sang Ipv6; Nâng cấp, duy trì an toàn thông tin hệ thống mạng; Triển khai số hóa hộ tịch; thực hiện rà soát, đánh giá an toàn thông tin.

Tập huấn công tác chuyển đổi số cho các đối tượng

Ở lĩnh vực chính quyền số, Huyện cũng triển khai số hóa các thủ tục hành chính còn hiệu lực; thiết bị ký số. 100% tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được xử lý trên môi trường mạng. 100% cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; vận hành thử hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính mới của Thành phố. Đảm bảo 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức các phòng, ban, đơn vị của UBND huyện được trang bị máy tính có cấu hình đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đến nay, huyện đã mở 2 lớp tập huấn về nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, xây dựng huyện thông minh năm 2024 cho 210 học viên là công chức, viên chức thuộc huyện và các xã, thị trấn. Triển khai 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc huyện và nhân dân trên địa bàn huyện cài đặt Ứng dụng “Công dân Thủ đô số” do UBND Thành phố Hà Nội triển khai.

Duy trì hoạt động của cổng thông tin, trang zalo… Đến nay, 20/20 xã, thị trấn trong huyện đã lập trang Zalo “Chính quyền điện tử” và đang vận hành thử nghiệm Cổng thông tin điện tử cấp xã. 136/136 thôn trong huyện đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong chuyển đổi số. 100% CBCC trên địa bàn đã cài đặt ứng dụng và đăng ký tài khoản iHanoi. Hiện tại đã có  27.761 tài khoản đăng ký sử dụng ứng dụng.

Tuyên truyền người dân đăng ký tài khoản iHanoi

Với lĩnh vực xã hội số, huyện chủ động, tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật như: 100% các đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp BHXH trên địa bàn huyện đều được trả qua tài khoản ngân hàng. Một số chợ, siêu thị, cửa hàng lớn trên địa bàn các giao dịch chủ yếu không dùng tiền mặt. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước,… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử. Xây dựng và đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện thuộc các đơn vị, doanh nghiệp được đưa lên giao dịch tại sàn thương mại điện tử, sử dụng mã Qrcode truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Một số sản phẩm cũng đăng ký sản phẩm tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn...Tích hợp trang thông tin về thương mại điện tử huyện Hoài Đức vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang chuyên về thương mại điện tử hiện có để phát triển, quảng bá giới thiệu các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn.

Tuyên truyền về thương mại điện tử đến hộ sản xuất, kinh doanh

Tuyên truyền đến người dân về việc tắt sóng 2G đồng thời phối hợp với các nhà mạng Vietel, Vinaphone cung cấp hỗ trợ đổi máy 3G, 4G. Tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát các vị trí không có sóng, sóng lõm, sóng yếu trên địa bàn, phát triển mạnh mẽ mạng di động 4G, 5G và thế hệ mạng tiếp theo.

Để thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện, thời gian tới, Ban Chỉ đạo huyện tập trung tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả; gắn liền và phục vụ hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện trong thời gian tới.

Hương Đỗ

 

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh