Văn hóa - xã hội

Đoàn công tác của UBND thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên về tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý, phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử tại huyện Hoài Đức
Ngày đăng 23/12/2024 | 16:53  | View count: 12

         Sáng 23/12, UBND huyện Hoài Đức tổ chức buổi làm việc với Đoàn công tác của UBND thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Nguyễn Văn Đoàn - Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND Thành phố Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên làm trưởng đoàn đã về tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý, phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử tại huyện Hoài Đức. Tiếp đoàn có đồng chí Trần Văn Nghĩa – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Hoàng Trường - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Trung Thuận – Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện.

Toàn cảnh buổi làm việc

        Trước khi vào buổi làm việc Đoàn đã đến dâng hương tại Đền Giang Xá và Chùa Bảo Phúc – Thị trấn Trạm Trôi.

Đoàn dâng hương tại Đền Giang xá

Đồng chí Nguyễn Văn Thuận – Trưởng Phòng Văn hoá và thông tin huyện

 báo cáo tình hình quản lý di tích trên địa bàn huyện Hoài Đức

         Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Thuận – Trưởng Phòng Văn hoá và thông tin huyện nêu rõ: Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 269 di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng gồm: 47 đình, 19 quán, 77 chùa, 26 đền và 100 di tích lăng, miếu, từ đường, mộ,… đến nay có 112 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 69 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 43 di tích xếp hạng cấp thành phố. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 54 lễ hội truyền thống mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Hoài Đức quan tâm và coi trọng. Nhờ đó, nhận thức về công tác bảo tồn di tích được nâng cao, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương ngày càng chặt chẽ đã góp phần tạo hiệu quả trong hoạt động quản lý, giám sát di tích. Hàng năm, UBND huyện Hoài Đức triển khai hệ thống các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích, bảo vệ di vật, hiện vật, đảm bảo an toàn, an ninh tại di tích và trong hoạt động lễ hội.

Đồng chí Nguyễn Trung Thuận – Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị

         Làng Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những nơi thờ tự chính Lý Nam Đế - người anh hùng dân tộc, vị vua khai sinh ra triều đại Tiền Lý và lập nên nhà nước Vạn Xuân vào thế kỷ thứ VI. Hiện nay, trong đình làng Giang Xá còn lưu giữ cuốn thần phả được chép bằng chữ Hán trên giấy dó cổ, nội dung ghi chép về sự tích Lý Bí do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn và được dân làng sao chép lại dưới thời Nguyễn. Cuốn thần phả là một tài liệu quý giá, chứng minh cho sự gắn bó của người dân làng Giang Xá với Lý Nam Đế.‏ Năm 1989, cụm di tích Đình - Đền Giang Xá, Chùa Bảo Phúc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Theo truyền thuyết, vào năm 544, khi Lý Bí (tên thường gọi của Lý Nam Đế) đánh giặc ngoại xâm, ông đã dừng chân ở làng Giang Xá để nghỉ ngơi và lập trại. Người dân làng đã tiếp đón ông nhiệt tình và cung cấp cho ông nhiều thực phẩm và vũ khí. Sau khi đánh tan giặc, ông đã trở lại làng để cảm ơn và ban cho làng nhiều ưu đãi. Ông cũng đã để lại một cuốn thần phả ghi chép về sự tích của mình và yêu cầu người dân làng thờ phụng và tưởng niệm ông mỗi năm. Từ đó, người dân làng Giang Xá coi Lý Nam Đế như là cha ông của mình và tự hào là “quê hương thứ hai” của ông. Để tưởng nhớ công ơn về một vị vua anh minh, văn võ song toàn, có công lập nước, khai quốc, hằng năm, người dân làng Giang Xá đều lấy ngày 12 tháng Giêng để mở hội. Hội làng được tổ chức 5 năm một lần, trong đó có nghi thức tế lễ và rước kiệu thánh theo phong tục truyền thống từ rạng sáng, kết hợp với hội cờ người đã tạo nên nét độc đáo cho hội làng Giang Xá mỗi khi mở hội. Việc người dân tổ chức Lễ hội làng Giang Xá không chỉ là một sự kiện văn hóa độc đáo, mà còn là một bài học lịch sử sống động, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Ngày nay, phát huy tinh thần truyền thống yêu nước thương dân của Lý Nam Đế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng "quê hương thứ hai" của Lý Nam Đế ngày càng giàu đẹp, văn minh.‏ Việc phụng thờ Lý Nam Đế không chỉ ở làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà ‏Nội) mà còn ở nhiều vùng quê khác trên cả nước là sự tiếp nối mạch nguồn đạo lý “uống ‏nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng biết ơn và tự hào dân tộc - một truyền thống quý báu bao đời nay ‏của dân tộc ta.

Thành viên đoàn Phổ Yên phát biểu

       Quê hương Thái Nguyên tự hào là quê gốc đã ra sinh vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc tại thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên (nay là phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên). Làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là quê hương thứ hai - nơi đã nuôi dưỡng Người khôn lớn, trưởng thành, dấy binh khởi nghĩa, đánh thắng giặc Lương, lên ngôi Hoàng Đế. Từ bấy lâu nay, Nhân dân phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên vẫn thường xuyên đi lại, giao hảo với Nhân dân thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức (Hà Nội), để duy trì truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, thông qua những hoạt động về phong tục, tập quán thờ cúng, tổ chức lễ hội hằng năm, gắn kết tình cảm keo sơn giữa nơi sinh ra, nơi xưng đế và nơi mất của vị Hoàng Đế - Lý Nam Đế.

Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn - Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Đồng chí Trần Văn Nghĩa – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ,

Chủ tịch HĐND huyện phát biểu

        Tại buổi làm việc, thành viên trong đoàn của 2 huyện đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức lễ hội của UBND huyện Hoài Đức năm 2024, để năm 2025 UBND Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ hội Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) xuân Ất Tỵ 2025; Kỷ niệm 1481 năm ngày Đức Hoàng đế Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nước Vạn Xuân nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá ở trên địa bàn. Qua lễ hội, thế hệ trẻ được biết về công lao của Lý Nam Đế - người đã dũng cảm đứng lên đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và độc lập của Tổ quốc. Lễ hội cũng là dịp thể hiện sâu sắc về tinh thần đoàn kết, ủng hộ và đồng hành của người dân nơi đây cùng Lý Nam Đế trong hành trình bảo vệ bờ cõi, xây dựng non sông./.

Đỗ Hạnh

 

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh