TÀI LIỆU PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

ĐIỂM TIN VĂN BẢN QPPL CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 5/2022
Ngày đăng 02/05/2022 | 08:14  | View count: 112

Từ tháng 05/2022 có 09 Thông tư có hiệu lực thi hành, trong đó đáng chú ý có một số nội dung sau:

  1. Thông Tư số 12/2021/TT-BTTTT ngày 29/10/2021 của Bộ Thông tin Truyền thông Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truyền hình cáp giao thức Internet (IPTV)”. Theo đó:

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truyền hình cáp giao thức Internet (IPTV), Kí hiệu: QCVN 84:2021/BTTTT), thay thế cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ IPTV trên mạng viễn thông công cộng (Ký hiệu QCVN 84:2014/BTTTT).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 84:2021/BTTTT quy định mức giới hạn của các chỉ tiêu chất lượng đối với dịch vụ truyền hình cáp giao thức Internet (IPTV) trên mạng viễn thông cố định mặt đất tại Việt Nam; áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IPTV trên mạng viễn thông cố định mặt đất. Quy chuẩn này  cũng là cơ sở để người sử dụng giám sát chất lượng dịch vụ IPTV trên mạng viễn thông cố định mặt đất của các doanh nghiệp.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 84:2021/BTTTT, các chỉ tiêu chất lượng phục vụ truyền hình cáp giao thức Internet (IPTV) như sau: Độ khả dụng của dịch vụ ≥ 99,5%; Thời gian xác định độ khả dụng tối thiểu là 03 tháng; Trường hợp đã có sẵn đường dây thuê bao: ≥ 90% số hợp đồng cung cấp dịch vụ có thời gian thiết lập dịch E ≤ 3 ngày; Trường hợp chưa có đường dây thuê bao, tại nội thành, thị xã: ≥ 90% số hợp đồng cung cấp dịch vụ có thời gian thiết lập dịch vụ E ≤ 5 ngày (không tính ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật);… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải có văn bản hồi âm cho 100% khách hàng khiếu nại trong thời hạn 48h kể từ thời điểm tiếp nhận khiếu nại bằng đơn, văn bản. Thời gian cung cấp dịch vụ trợ giúp khách hàng bằng nhân công qua điện thoại là 24h trong ngày; tỷ lệ cuộc gọi tới dịch vụ trợ giúp khách hàng chiếm mạch thành công, gửi yêu cầu kết nối đến điện thoại viên và nhận được tín hiệu trả lời của điện thoại viên trong vòng 60s ≥ 80%.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/5/2022.

  1. Thông tư số 22/2022/TT-BQP ngày 02/4/2022 của Bộ Quốc phòng Quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Theo đó:

Thông tư nêu rõ, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg; quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg theo công thức:

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 01/2022

  =

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 12/2021

    x

  1,074

Mức trợ cấp hằng tháng của các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:

- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng;

- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/5/2022.

3. Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Quy định việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ. Theo đó một số nội dung quy định về việc học như sau:

- Người nhập học phải nộp các giấy tờ theo quy định. Giấy tờ khi người học nhập học phải được quản lý tại đơn vị thuộc trường hoặc được số hóa để quản lý bằng các phần mềm quản lý đào tạo nếu có.

- Người học được chuyển ngành, nghề đào tạo đang học sang học một ngành, nghề đào tạo khác của trường khi người học có đơn đề nghị chuyển đổi ngành, nghề đào tạo. Ngành, nghề đào tạo dự kiến sẽ chuyển sang học phải có cùng hình thức tuyển sinh và các tiêu chí tuyển sinh bằng hoặc thấp hơn so với tiêu chí tuyển sinh của ngành, nghề đào tạo đang học. Việc chuyển đổi ngành, nghề đào tạo phải được thực hiện ngay trong học kỳ đầu tiên của chương trình...

- Người học cũng có thể học cùng lúc hai chương trình. Điều kiện học cùng lúc hai chương trình là người học có đơn đề nghị học cùng lúc hai chương trình; đã học xong học kỳ thứ nhất đối với chương trình có thời gian thực hiện từ một đến hai năm học, đã học xong học kỳ thứ hai đối với chương trình có thời gian thực hiện trên hai năm học. Kết quả học tập của từng học kỳ đã hoàn thành ở chương trình thứ nhất phải đạt loại khá trở lên; không trong thời gian tạm dừng chương trình đang học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người học thuộc diện phải điều chỉnh tiến độ học hoặc bị buộc thôi học ở chương trình thứ nhất thì bị buộc thôi học chương trình thứ hai.

- Người học được tạm dừng chương trình đang học và được bảo lưu kết quả học tập nếu thuộc một trong các trường hợp như: được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tham gia các kỳ thi, giải thi đấu quốc tế; vì lý do sức khỏe phải dừng học trong thời gian dài để điều trị, có giấy xác nhận của cơ sở y tế nơi khám, điều trị hoặc có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; chuyển nơi học từ trường này sang trường khác cùng ngành nghề đào tạo mà thời gian học ở trường khác có sự khác nhau về tiến độ; ....Thời gian được bảo lưu kết quả học tập không quá 5 năm tính từ khi dừng chương trình học tập và không tính vào thời gian tối đa hoàn thành khóa học. 

- Người học được tạm hoãn học môn học, mô-đun theo kế hoạch đào tạo của trường và phải hoàn thành môn học, mô-đun đó trong quỹ thời gian tối đa hoàn thành chương trình nếu thuộc một hoặc các trường hợp sau: vì lý do sức khỏe không bảo đảm để học môn học, mô-đun đó và có giấy xác nhận của cơ sở y tế nơi khám hoặc điều trị; có lý do khác không thể tham gia học môn học, mô-đun đó, kèm theo minh chứng cụ thể và phải được hiệu trưởng chấp thuận.  Thời gian nghỉ học tạm thời được tính vào thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình theo quy định.

- Người học chuyển trường theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì việc chuyển trường được thực hiện theo quyết định của cơ quan ra quyết định. Việc ra quyết định chuyển trường phải có sự đồng ý bằng văn bản của người học. Người học chuyển trường theo nhu cầu cá nhân thì việc chuyển trường được thực hiện theo quy định của trường nơi chuyển đi và trường nơi chuyển đến. Hiệu trưởng chỉ xét tiếp nhận hoặc cho người học chuyển trường khi đáp ứng các yêu cầu sau: Có đơn đề nghị chuyển trường; không trong thời gian điều chỉnh tiến độ học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không chuyển trường khi đang học học kỳ cuối cùng của khóa học; khi chuyển sang trường nơi chuyển đến phải học đúng ngành, nghề đang học tại trường nơi chuyển đi. Hiệu trưởng trường có người học xin chuyển đến quyết định việc tiếp nhận hoặc không tiếp nhận, người học ở trường nơi chuyển đến. Thời gian tối đa cho người học chuyển trường hoàn thành chương trình được tính từ thời điểm nhập học ở trường nơi chuyển đi.

- Người học phải học lại và thi lại môn học, mô-đun nếu thuộc một trong các trường hợp:  Không đủ điều kiện dự thi; đã hết số lần dự thi kết thúc môn học, mô-đun theo quy định nhưng điểm thi chưa thuộc loại đạt; người học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ đăng ký học lại, thi lại để cải thiện điểm.

- Người học phải học lại và thi lại không được bảo lưu điểm và thời gian học tập môn học, mô-đun của lần học trước đó và phải bảo đảm các điều kiện dự thi theo quy định. Trường hợp không còn môn học, mô-đun do chương trình đào tạo thay đổi thì hiệu trưởng quyết định chọn môn học, mô-đun khác phù hợp với mục tiêu của chương trình để thay thế.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/5/2022.

  1. Thông tư số 03/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Quy định Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù để xem xét công nhận người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày . Theo đó:

Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù là căn cứ để xem xét công nhận người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.

Địa điểm bị tù, đày để xem xét công nhận người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày được quy định tại Phụ lục Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong đó, Phụ lục Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù ban hành kèm theo Thông tư 03 liệt kê các nhà tù và những nơi được coi là nhà tù tồn tại trong thời gian kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của 59 khu vực, tỉnh, thành tại Việt Nam.

Ngoài ra, trường hợp người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế địch bắt tù, đày ở nước ngoài thì nơi bị tù theo giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/5/2022.

                                                                    Phòng Tư pháp tổng hợp

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh