Quy hoạch - đô thị

Hà Nội khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Ngày đăng 25/06/2023 | 15:00  | View count: 330

Sáng 25/6, Hà Nội tổ chức Lễ khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đồng loạt tại 4 vị trí gồm: Km28+900, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức; Quốc lộ 2 giao đường Vành đai 4 xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; Đường trục phía Nam, giao đường Vành đai 4 xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai; Km190+270 đường Quốc lộ 1A giao với Vành đai 4, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Đây là dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia với mục tiêu đưa vào vận hành từ năm 2027. ​

Đ/c Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành dự buổi lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức

Tham dự lễ khởi công tại điểm cầu huyện Hoài Đức có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn... cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Lãnh đạo huyện Hoài Đức có Đồng chí Nguyễn Trúc Anh-Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Hoàng Trường-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Ủy viên ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, đại diện một số ngành của huyện và lãnh đạo các xã có dự án đường Vành đai 4 đi qua. 

Đ/c Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức

​Dự án đường Vành đai 4 có quy mô 112,8km, với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác. Quốc hội giao việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Đây là Dự án đường Vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư. Dự án tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức

Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, Thành phố Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương. Thành phố Hà Nội đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì làm việc với các địa phương để thành lập ngay Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Bắc Ninh và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tham gia Ban Chỉ đạo.

Đồng thời, 3 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo riêng để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh ban hành kế hoạch tổng thể tổ chức thực hiện dự án, khớp nối các nhiệm vụ và tiến độ từng hạng mục công việc, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ trong quá trình triển khai, làm cơ sở thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình triển khai, các tỉnh, thành phố đã nỗ lực,quyết tâm tổ chức thực hiện Dự án theo tiến độ, Kế hoạch đề ra; đã huy động sức mạnh cảu cả hệ thống chính trị, triển khai đồng thời các thủ tục đẻ rút ngắn thời gian thực hiện các công việc; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Do đó, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%,trong đó thành phố Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).

Đại biểu lãnh đạo huyện Hoài Đức dự buổi lễ khởi công Dự án

Tại huyện Hoài Đức, Dự án đường Vành đai 4 có chiều dài 17,1km chạy qua 12 xã với tổng diện tích đất thu hồi vào dự án là 239,63 ha, trong đó: Diện tích đất nông nghiệp khoảng 165,77 ha của 6.175 hộ; đất có nhà ở diện tích khoảng 0,66 ha của 115 hộ; đất Miếu thôn Lại Dụ 417,1 m2; đất công và đường, mương nội đồng là 71,84 ha. Số ngôi mộ đã kê khai kiểm đếm là 2.488 ngôi. Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ giai đoạn đầu triển khai, thành lập các tổ chức giúp việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng; xác định rõ những nội dung trọng điểm theo từng giai đoạn để tuyên truyền, vận động. Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai khẩn trương với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa trong đó nêu cao vai trò của cán bộ các đoàn thể từ thôn, xóm, khu dân cư, những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, địa phương. Đến nay, đã phê duyệt và thu hồi đất được 192,7/239,63ha. Số ngôi mộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ là 1.867/2.488 ngôi; đạt tỷ lệ 75% (Trong đó 1.485 ngôi mộ đã di chuyển). Đối với xã Song Phương, địa phương được chọn làm địa điểm khởi công Dự án đã khẩn trương tiến hành các bước và bàn giao mặt bằng sạch tại vị trí khởi công vào ngày 15/6 với tổng diện tích đất bàn giao 2,25ha gồm 1,74ha đất nông nghiệp của 71 hộ gia đình, cá nhân và 0,51 ha đất công do UBND xã Song Phương quản lý.

Đại diện nhà thầu phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức

Báo cáo về kế hoạch triển khai thi công và cam kết tiến độ, chất lượng Dự án đường Vành đai 4, đại diện các nhà thầu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Đào Ngọc Thanh cho biết, đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án, chiều dài khoảng 23 km (thuộc Dự án thành phần Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội). Giá trị trúng thầu là 1.816 tỷ đồng; thời gian thực hiện 1.080 ngày. Đơn vị cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực để triển khai dự án bảo đảm chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ hợp đồng, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng kịp thời.

Đ/c Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của các địa phương trong triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để nhanh chóng có đủ điều kiện khởi công dự án. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: việc khởi công dự án là bước tiến mới của chặng đường đưa dự án tiến dần về đích với quyết tâm, hợp tác và cam kết về tiến độ của 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên để thực hiện mục tiêu kết nối mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước. Tuy nhiên, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức, nhất là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại…

Để các công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, chất lượng và đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công một cách nhanh nhất có thể; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các cấp ủy Đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III năm 2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023).

Đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát dự án, Thủ tướng yêu cầu nâng cao trách nhiệm của mình, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... cùng với các địa phương và các đơn vị có liên quan.

Để triển khai thành công các dự án, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 2 vấn đề có tính chất quan trọng là: Bố trí vốn đầy đủ và mặt bằng đủ điều kiện thi công và 6 yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt để dễ thực hiện, dễ kiểm tra gồm: Bảo đảm chất lượng; Bảo đảm tiến độ;Bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh và an toàn lao động; Không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; Chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm từ khâu xây dựng dự án, phê duyệt, thi công, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu…. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi ở cũ.

T hủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã nhấn nút khởi công Dự án./.

Thanh Thạo

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh