Quy hoạch - đô thị
I. THÔNG TIN CHUNG
TÀI LIỆU HỎI ĐÁP LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC TRIỂN KHAI ĐẦU TƯ
XÂY DỰNG DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 – VÙNG THỦ ĐÔ
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, với quy mô 112,8 km đi qua địa bàn 03 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh). Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tuyến đường có chiều dài khoảng 58,2 km, đi qua 07 quận, huyện, chiếm tỷ lệ 51,5%. Tổng mức đầu tư Dự án là 85.813 tỷ đồng, với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Trên đoạn tuyến qua huyện Hoài Đức có chiều dài 17,1km, đi qua 12 xã với tổng diện tích đất thu hồi 239,63ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp khoảng 172,92 ha của 6.138 hộ dân; đất thổ cư diện tích 0,66 ha của 115 hộ; đất doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh 1,32ha; đất miếu thôn Lại Dụ (xã An Thượng) 417,1 m2; còn lại 64,69 ha đất công và đường, mương nội đồng. Số ngôi mộ kê khai kiểm đếm 2.441 ngôi.
STT | Đơn vị | Diện tích thu hồi (ha) | Kinh phí chi trả bồi thường, hỗ trợ (đồng) | Số mộ chí di chuyển | Kinh phí di chuyển mộ chí (đồng) |
1 | Minh Khai | 5,88 ha (gồm 4,78 ha nông nghiệp của 152 hộ và 1,1 ha đất công | 53.200.000.000 | 312 | 2.860.000.000 |
2 | La Phù | 6,03 ha (gồm 5,02 ha nông nghiệp của 123 hộ và 1,01 ha đất công) | 51.600.000.000 | 81 | 916.234.518 |
3 | Dương Liễu | 18,13 ha (gồm 16,48 ha đất nông nghiệp; 12.382,1 m2 đất công và 43,5 m2 đất của Trường THCS Dương Liễu) | 171.550.000.000 | 427 | 3.970.000.000 |
4 | Đức Thượng | 24,52 ha (12,45 ha đất nông nghiệp của 524 hộ; 0,12 ha đất có nhà ở của 21 hộ; 1,3 ha đất thuê của doanh nghiệp; 213m2 khu Lăng mộ đền Mẫu Thủy) | Đã chi trả 44,47 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai | 33 | 350.113.776 |
5 | Cát Quế | 11,19 ha (gồm 10,55 ha đất nông nghiệp của 406 hộ và 0,64 ha đất công) | Chi trả đợt 1: 58,3 tỷ và đang tiếp tục triển khai | 111/208 ngôi | Đã hỗ trợ di chuyển 358.362.883 đồng và đang tiếp tục triển khai |
6 | Yên Sở | 12,58 ha (gồm 10,9 ha đất nông nghiệp của 527 hộ và 1,68 ha đất công) | Đã chi trả 02 đợt với 106 tỷ và đang tiếp tục triển khai | 17 | Đã hỗ trợ di chuyển 111.810.311 đồng và đang tiếp tục triển khai |
7 | Đắc Sở | 10,21 ha (gồm 8,9 ha đất nông nghiệp của 309 hộ và 1,31 ha đất công) | Đã chi trả 01 đợt số tiền 13,89 tỷ và đang tiếp tục triển khai | 0 |
|
8 | Tiền Yên | 15,76 ha (gồm 14,92 ha đất nông nghiệp của 493 hộ và 161 m2 đất ở của 04 hộ) | đang triển khai | 321/355 | Đã hỗ trợ di chuyển 2.569.557.480 đồng và đang tiếp tục triển khai |
9 | Song Phương | 52,35 ha (gồm 41,8 ha đất nông nghiệp của 1.049 hộ và 10,55 ha đất công) | Đã chi trả 02 đợt với số tiền 254,03 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai | 31 | Đã hỗ trợ di chuyển 366,856,872 đồng và còn 01 ngôi phát sinh |
10 | An Thượng | 50,18 ha (gồm 23,04 ha đất nông nghiệp của 1.001 hộ và 27,14 ha đất công) | Đã chi trả đợt 01 với số tiền 79.662.054.985 đồng và đang tiếp tục triển khai | 02 | Đang triển khai |
11 | An Khánh | 0,47 ha (gồm 0,465 ha đất nông nghiệp của 03 hộ và 18,1 m2 đất công) | Đang triển khai và lên phương án với số tiền 322 triệu đồng |
|
|
12 | Đông La | 32,33 ha (gồm 24,1 ha đất nông nghiệp của 685 hộ; 0,53 ha đất ở của 91 hộ và 7,7 ha đất công) | Đã chi trả 02 đợt với số tiền 126,6 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai | 1.106 | Duyệt phương án hỗ trợ di chuyển đối với 1.052 ngôi với số tiền 11,9 tỷ |
Khi dự án hoàn thành, không chỉ giúp Thủ đô Hà Nội hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc trong nội thành, mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn có ý vô cùng quan trọng vào sự phát triển hạ tầng, kết nối giao thông giữa huyện Hoài Đức với vùng nội đô và 04 tỉnh, thành quan trọng, đó là: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để huyện đạt tiêu chí quận vào năm 2025.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG HỎI - ĐÁP THƯỜNG GẶP VỀ DỰ ÁN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 - VÙNG THỦ ĐÔ ĐOẠN QUA HUYỆN HOÀI ĐỨC
Câu 1: Dự án đường Vành đai 4 đi qua những đi qua nhưng quận huyện nào của thành phố Hà Nội và những xã nào của huyện Hoài Đức?
Trả lời:
- Dự án đường Vành đai 4 đi qua 7 quận huyện của thành phố Hà Nội: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
- Dự án đường vành đai 4 đoạn qua huyện Hoài Đức đi qua địa bàn 12 xã gồm: Minh Khai, Dương Liễu, Đức Thượng, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, An Khánh, Đông La và La Phù..
Câu 2: Dự án Vành đai 4, đoạn qua huyện Hoài Đức có chiều dài bao nhiêu (km), có tất cả bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án?
Trả lời:
- Chiều dài của tuyến đường đoạn qua huyện Hoài Đức: khoảng 17,1km.
- Các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án: thu hồi đất nông nghiệp của 6.138 hộ dân; thu hồi đất thổ cư của 115 hộ; 1,32ha đất doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh;
Câu 3: Cơ sở pháp lý thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Dự án đường Vành đai 4?
Trả lời:
Việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án đường Vanh đai 4 thực hiện trên cơ sở các căn cứ pháp lý sau:
1. Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
2. Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
3. Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
4. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai;
5. Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
6. Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội;
7. Nghị Quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH16 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô;
8. Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về các biện pháp bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, GPMB kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng triên địa bàn thủ đô;
9. Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội;
10. Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, Vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội;
11. Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024;
12. Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 05/8/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc giao nhiệm vụ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội;
13. Quyết định số 3956/QĐ-UBND ngày 20/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội Ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội);
14. Thông báo số 7979/TB-STC ngày 30/12/2022 của Sở Tài chính về Mức giá tối đa làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ cho từng nhóm cây trồng, là vật nuôi là thủy sản không di chuyển được khi nhà nước thu hồi đất năm 2023.
Câu 4: Việc bồi thường về đất được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 74 Luật Đất đai, khoản 4 Điều 3 Nghị định 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP và Điều 5 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội thì Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định. Trường hợp có điều kiện về quỹ đất thì được xem xét để bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi.
Câu 5: Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở trong trường hợp nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 79 Luật Đất đai, điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP và Điều 7 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội thì Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam có đủ điều kiện được bồi thường mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi, thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở, trong các trường hợp sau:
a) Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bị thu hồi toàn bộ đất ở;
b) Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bị thu hồi đất ở và diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở (đối với khu vực các huyện, thị xã: nhỏ hơn 30m2; đối với khu vực các quận: là diện tích không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng công trình quy định tại Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 06/5/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố).
Câu 6: Bồi thường, hỗ trợ về đất cho người đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về QSD đất được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì Khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 101 và Điều 102 của Luật Đất đai, các Điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được bồi thường về đất.
Như vậy, nếu người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì khi Nhà nước thu hồi đất vẫn được bồi thường về đất.
Câu 7: Nếu hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện được tái định cư thì Nhà nước giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định điểm b, khoản 1, Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở, trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền.
Trừ những địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
Như vậy, những trường hợp này chủ yếu sẽ được Nhà nước bồi thường bằng tiền.
Câu 8: Suất tái định cư tối thiểu được tính như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 29 Quyết định số 10/2017QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội thì suất tái định cư tối thiểu và hỗ trợ tái định cư được quy định như sau:
a) Đối với các khu vực, các dự án thực hiện việc bồi thường, giao tái định cư bằng đất ở thì diện tích suất tái định cư tối thiểu bằng diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương do Ủy ban nhân dân Thành phố quy định;
b) Đối với các khu vực, các dự án thực hiện việc bồi thường, giao tái định cư bằng căn hộ chung cư thì diện tích suất tái định cư tối thiểu bằng 30m2.
Giá trị suất tái định cư tối thiểu bằng tiền được xác định theo diện tích suất tái định cư tối thiểu theo quy định trên nhân với giá đất ở hoặc giá nhà ở tại nơi bố trí tái định cư của hộ gia đình, cá nhân.
Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư theo quy định này mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều này thì được Nhà nước hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất.
Câu 9: Những người đang đồng quyền sử dụng đất được bồi thường như thế nào?
Trả lời:
Theo khoản 2, Điều 15 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định như sau:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất chung có đồng quyền sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường theo diện tích đất thuộc quyền sử dụng; nếu không có giấy tờ xác định diện tích đất thuộc quyền sử dụng riêng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì bồi thường chung cho các đối tượng có đồng quyền sử dụng đất.
2. Ủy ban nhân dân xã hướng dẫn việc phân chia tiền bồi thường về đất cho các đối tượng đồng quyền sử dụng quy định tại khoản 1.
Câu 10: Nhà có đông nhân khẩu thì được bố trí tái định cư như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 1 Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND ngày 06/5/2022 về sửa đổi bổ sung khoản 2, điều 26 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 như sau:
"2. Trường hợp đủ điều kiện được bồi thường bằng đất ở: Trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng sinh sống trên một thửa đất ở thu hồi mà đủ điều kiện tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì mỗi hộ gia đình được giao một (01) suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương và không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi (diện tích đất được giao đã bao gồm diện tích đất được bồi thường theo quy định tại Điều 7 Quy định này). Trường hợp mỗi hộ được giao một (01) suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tối thiểu tại địa phương vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi, phần diện tích đất tái định cư vượt diện tích đất ở bị thu hồi phải tính tiền sử dụng đất theo giá đất khi giao đất tái định cư nhân hệ số điều chỉnh K theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 Quy định này."
Câu 11: Nếu người dân đủ điều kiện tái định cư mà không đủ tiền để thanh toán cho suất tái định cư thì xử lý như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 31 Quyết định số 10/2017QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội thì việc xử lý đối với trường hợp người bị thu hồi đất, đủ điều kiện được tái định cư bằng căn hộ chung cư, mà có tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất và tiền hỗ trợ tái định cư (theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 của Quy định này) nhỏ hơn số tiền mua nhà tái định cư phải nộp theo quy định, được thực hiện như sau:
1. Người bị thu hồi đất có trách nhiệm nộp đủ nốt số tiền mua nhà còn thiếu trước khi được nhận căn hộ tái định cư theo quy định;
2. Trường hợp người bị thu hồi đất không có khả năng nộp đủ nốt số tiền mua nhà còn thiếu thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thu hồi đất chịu trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh phương án bán căn hộ chung cư tái định cư cho người bị thu hồi đất đó sang phương án thuê, thuê mua căn hộ chung cư tái định cư và phối hợp với Sở Xây dựng và đơn vị quản lý quỹ nhà giải quyết việc thuê, thuê mua căn hộ cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Câu 12: Cơ sở nào để xác định giá đất bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất?
Trả lời:
Thực hiện Điểm đ Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.
Việc xác định giá đất cụ thể làm căn cước tính bồi thường, hỗ trợ về đất được thực hiện sau khi có Thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện theo quy định hiện hành.
Câu 13: Bồi thường chi phí hợp lý đầu tư vào đất còn lại được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau:
a) Chi phí san lấp mặt bằng;
b) Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
c) Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
d) Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
2. Điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại:
a) Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại;
b) Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
3. Các trường hợp được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Đất đai mà không có hồ sơ, chứng từ chứng minh các khoản chi phí đã đầu tư vào đất còn lại (trừ trường hợp thu hồi đất công ích theo quy định tại Điều 20 của Quy định này) thì được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại theo mức sau:
a) Đối với đất nông nghiệp trồng lúa nước, đất trồng cây hàng năm: 50.000 đồng/m2; đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản: 35.000 đồng/m2. Mức bồi thường tối đa không vượt quá 250.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.
b) Đối với đất rừng sản xuất bị thu hồi đến 01 (một) ha: 25.000 đồng/m2; đối với đất rừng sản xuất bị thu hồi từ trên 01 (một) ha trở lên: 7.500 đồng/m2. Mức bồi thường tối đa không vượt quá 500.000.000 đồng/chủ sử dụng.
Câu 15: Hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong trường hợp nào và mức hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ tại Khoản 3 Điều 19; Điều 20 Nghị định số 47 /2014/NĐ-CP quy định như sau:
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định Nghị định số 47 /2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định sau đây:
a) Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương;
b) Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương.
Giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024, theo đó, giá đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức được áp dụng tại mục 3 bảng số 1 Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND thành phố Hà Nội, cụ thể như sau: giá đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản (huyện Hoài Đức) là: 162.000 đ/m2; Giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm là 189.600đ/m2.
Do đó, mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi thu hồi đất nông nghiệp như sau:
- Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản mức hỗ trợ là: 162.000 đ/m2 x 5 lần = 810.000 đồng/m2.
- Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm mức hỗ trợ là 189.600đ/m2 x 5 lần = 948.000 đồng/m2.
Câu 16: H ộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được giao và đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng công trình thì khi thu hồi đất được bồi thường như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 23 Quyết định số 10/2017QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định:
1. Đối với hộ gia đình, cá nhân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng công trình để ở mà không có văn bản ngăn chặn, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân còn được hỗ trợ về đất như sau:
a) Hỗ trợ bằng 70% đơn giá đất ở theo bảng giá đất của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với trường hợp chuyển đổi trước ngày 15/10/1993.
b) Hỗ trợ bằng 40% đơn giá đất ở theo bảng giá đất của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với trường hợp chuyển đổi từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004.
c) Diện tích đất được hỗ trợ theo các Điểm a, b Khoản 1 Điều này là diện tích đất thực tế có xây dựng nhà cửa, công trình để ở bị thu hồi nhưng tối đa không quá hạn mức giao đất ở mới tối đa của địa phương.
2. Đối với hộ gia đình, cá nhân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng công trình sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp mà không có văn bản ngăn chặn, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân còn được hỗ trợ về đất như sau:
a) Hỗ trợ bằng 70% đơn giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp theo bảng giá đất của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với trường hợp chuyển đổi trước ngày 15/10/1993;
b) Hỗ trợ bằng 40% đơn giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp theo bảng giá đất của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với trường hợp chuyển đổi từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004;
c) Diện tích đất được hỗ trợ theo các Điểm a, b Khoản 2 Điều này là diện tích đất thực tế có xây dựng công trình sản xuất kinh doanh bị thu hồi nhưng tối đa không quá hạn mức giao đất ở mới tối đa của địa phương.
3. Đối với hộ gia đình, cá nhân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng công trình thương mại dịch vụ mà không có văn bản ngăn chặn, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân còn được hỗ trợ về đất như sau:
a) Hỗ trợ bằng 70% đơn giá đất thương mại dịch vụ theo bảng giá đất của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với trường hợp chuyển đổi trước ngày 15/10/1993;
b) Hỗ trợ bằng 40% đơn giá đất thương mại dịch vụ theo bảng giá đất của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với trường hợp chuyển đổi từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004;
c) Diện tích đất được hỗ trợ theo các Điểm a, b Khoản 3 Điều này là diện tích đất thực tế có xây dựng công trình thương mại dịch vụ bị thu hồi nhưng tối đa không quá hạn mức giao đất ở mới tối đa của địa phương.
4. Phần diện tích đất do các hộ gia đình tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước ngày 01/7/2004 vượt hạn mức giao đất ở mới tối đa của địa phương và phần diện tích đất do các hộ gia đình tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau ngày 01/7/2004 về sau thì chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất.
Câu 17: Gia đình chính sách, gia đình đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội khi phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ như thế nào?
Trả lời:
Tại khoản 3 Điều 24 Quyết định số 10/2017QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định:
Hỗ trợ gia đình chính sách, hộ gia đình đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội của Nhà nước theo xác nhận của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội khi phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi nhà ở, đất ở như sau:
a) Người hoạt động Cách mạng trước năm 1945, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, thân nhân của liệt sỹ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng và thương binh, bệnh binh, người đang hưởng chính sách như thương, bệnh binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên: được hỗ trợ 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng)/ chủ sử dụng nhà, đất;
b) Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 61% đến dưới 81%: được hỗ trợ 6.000.000 đồng (sáu triệu đồng)/ chủ sử dụng nhà, đất;
c) Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 41% đến dưới 61%: được hỗ trợ 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/ chủ sử dụng nhà, đất;
d) Gia đình liệt sỹ, người có công giúp đỡ Cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 21% đến dưới 41%: được hỗ trợ 4.000.000 đồng (bốn triệu đồng)/chủ sử dụng nhà, đất;
e) Hộ gia đình có người đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội khác của Nhà nước: được hỗ trợ 3.000.000 đồng (ba triệu đồng)/ chủ sử dụng nhà, đất.
Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều người thuộc diện được hưởng một trong các mức hỗ trợ trên thì hộ gia đình chỉ được tính hỗ trợ một lần theo mức cao nhất.
Câu 18: Pháp luật quy định về Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn như thế nào?
Trả lời:
Điều 20 Quyết định số 10/2017QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định:
1. Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng được hỗ trợ bằng mức giá đất nông nghiệp trong Bảng giá đất của Ủy ban nhân dân Thành phố; tiền hỗ trợ được nộp vào Ngân sách Nhà nước và được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của xã, phường, thị trấn; tiền hỗ trợ chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã nơi bị thu hồi đất theo đúng quy định.
2. Hộ gia đình, cá nhân thuê, nhận đấu thầu sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) theo quy định tại Điều 76 Luật Đất đai, Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; hoặc được hỗ trợ tối đa không quá 10% mức bồi thường giá đất nông nghiệp được công bố theo quy định, kinh phí hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuê, đấu thầu theo quy định này được trích từ số tiền hỗ trợ cho ngân sách Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Câu 19: Các hộ dân sử dụng đất lưu không, đất do UBND xã quản lý, đất do HTX NN quản lý (có nguồn gốc là đất nông nghiệp) đã xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh ổn định thì khi thu hồi đất được hỗ trợ như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 3956/QĐ-UBND ngày 20/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội quy định:
Căn cứ mục đích sử dụng đất tại thời điểm thu hồi để xem xét hỗ trợ khác bằng 30% (đối với trường hợp chuyển đổi trước ngày 15/10/1993) và 20% (đối với trường hợp chuyển đổi từ sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004) đơn giá đất ở hoặc đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cùng vị trí (mục đích đang sử dụng) theo giá đất quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND thành phố Hà Nội đối với diện tích thực tế có công trình xây dựng nhà và công trình để ở hoặc sản xuất kinh doanh phí nông nghiệp nhưng tối đa không quá hạn mức giao đất ở tối đa đối với chủ sử dụng.
Câu 20: Công trình xây dựng trên đất không được công nhận là đất ở thì khi thu hồi đất có được hỗ trợ không?
Trả lời:
Tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 3956/QĐ-UBND ngày 20/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội quy định:
Chấp thuận hỗ trợ khác đối với công trình xây dựng là nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt thiết yếu gồm: bếp, giếng, nhà vệ sinh, nhà tắm, sân, cổng, đường vào nhà, rãnh, chuồng trại chăn nuôi, tường rào bao quanh thửa đất của gia đình xây dựng trên diện tích đất không được công nhận là đất ở, cụ thể như sau:
- Tổng mức hỗ trợ gồm: Mức hỗ trợ theo Điều 14 Quyết định số 10/2017/QĐ- UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội và mức hỗ trợ khác (cho từng công trình xây dựng) không vượt quá mức bồi thường công trình theo quy định.
- Việc áp dụng chính sách hỗ trợ khác nói trên phải đảm bảo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, số khẩu, số hộ thực tiễn tại thửa đất bị thu hồi.
Câu 21: Quy định về Bồi thường đối với nhà ở, công trình xây dựng hợp pháp như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 12 Quyết định số 10/2017QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định việc Bồi thường đối với nhà ở, công trình xây dựng hợp pháp như sau:
1. Đối với nhà, công trình bị cắt xén, phá dỡ một phần khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường, hỗ trợ như sau:
a) Nhà, công trình bị cắt xén, phá dỡ một phần mà phần còn lại không đảm bảo khả năng chịu lực thì được bồi thường toàn bộ nhà, công trình.
b) Nhà bị cắt xén phá dỡ không thuộc quy định tại điểm a của khoản này mà diện tích còn lại chỉ còn cầu thang, nhà vệ sinh thì được bồi thường toàn bộ diện tích nhà. Trường hợp nhà bị cắt xén, phá dỡ, trong đó nếu có một phần cầu thang bị phá dỡ thì được bồi thường toàn bộ cầu thang;
c) Nhà, công trình bị cắt xén, phá dỡ một phần mà phần còn lại đảm bảo khả năng chịu lực thì ngoài việc được bồi thường diện tích nhà, công trình phải phá dỡ đến chỉ giới cắt xén theo quy hoạch, còn được bồi thường bổ sung phần nhà, công trình bị ảnh hưởng do cắt xén, phá dỡ theo quy định sau:
- Đối với nhà khung bê tông cốt thép hoặc kết cấu khung thép thì diện tích sàn xây dựng được bồi thường bổ sung tính từ chỉ giới cắt xén theo quy hoạch đến khung kết cấu chịu lực gần nhất;
- Đối với nhà kết cấu xây gạch chịu lực bị cắt xén một phần, không ảnh hưởng tới an toàn của căn nhà thì diện tích sàn xây dựng được bồi thường bổ sung bằng chiều rộng mặt tiền nhà trước khi cắt xén nhân với chiều sâu bằng 1 m và nhân với số tầng nhà bị cắt xén.
d) Đối với nhà, công trình bị cắt xén, phá dỡ một phần mà phần còn lại vẫn sử dụng được thì ngoài việc bồi thường theo quy định còn được bồi thường hoàn trả mặt tiền nhà, công trình theo công thức sau:
Gmt = Bmt x Gxd x Smt x T
Gmt: Giá trị phần mặt tiền được bồi thường hoàn trả;
Bmt: Chiều rộng mặt tiền được xác định như sau:
- Bằng chiều rộng mặt tiền nhà trước khi cắt xén trong trường hợp chiều rộng mặt tiền tại vị trí cắt theo chỉ giới quy hoạch nhỏ hơn chiều rộng mặt tiền nhà trước khi cắt xén;
- Bằng chiều rộng mặt tiền nhà tại vị trí cắt theo chỉ giới quy hoạch trong trường hợp chiều rộng mặt tiền tại vị trí cắt theo quy hoạch lớn hơn hoặc bằng chiều rộng mặt tiền nhà trước khi cắt xén;
Gxd: Đơn giá xây dựng mới tính trên một mét vuông sàn xây dựng, công trình xây dựng;
Smt: Chiều sâu được quy định bằng 1m;
T: Số lượng tầng bị cắt xén.
2. Mức bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng hợp pháp khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được quy định như sau:
Mức bồi thường | = | Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại | + | (Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại) x 60% |
Mức bồi thường không thấp hơn 60% và không vượt quá 100% giá trị xây mới nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà công trình bị thiệt hại.
- Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
- Thời gian khấu hao áp dụng làm căn cứ xác định giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được quy định như sau:
+ 8 năm đối với nhà tạm, vật kiến trúc;
+ 20 năm đối với nhà một tầng mái ngói hoặc mái tôn (không áp dụng cho nhà xưởng và kho thông dụng quy định tại bảng suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố) tường bao quanh xây gạch chiều cao lớn hơn 3m (không tính chiều cao tường thu hồi);
+ 30 năm đối với nhà 1 tầng mái bằng bê tông cốt thép hoặc mái bằng bê tông cốt thép trên lợp tôn, lợp ngói;
+ 30 năm đối với nhà xưởng và kho thông dụng quy định tại bảng suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố;
+ 50 năm đối với nhà 2-3 tầng tường xây gạch, mái bằng bê tông cốt thép hoặc mái bằng bê tông cốt thép trên lợp tôn, lợp ngói;
+ 60 năm đối với nhà 4-5 tầng trở lên.
- Nhà tạm, công trình xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, kể cả trên đất nông nghiệp tạm giao, cho thuê, đấu thầu được Ủy ban nhân dân cấp xã cho phép thì được bồi thường bằng 100% đơn giá xây dựng mới theo quy định.
3. Việc bồi thường nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 11 của Quy định này.
Câu 22: Quy định về b ồi thường chi phí di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 15 Quyết định số 10/2017QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định:
1. Đối với hộ gia đình, cá nhân:
Bồi thường 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/chủ sử dụng nhà ở, đất ở đối với trường hợp di chuyển chỗ ở trong phạm vi Thành phố; 8.000.000 đồng (tám triệu đồng)/chủ sử dụng nhà ở, đất ở đối với trường hợp di chuyển chỗ ở về tỉnh, thành phố khác.
2. Đối với tổ chức:
Đối với hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất và tài sản hợp pháp có thể tháo dời và di chuyển được thì Đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng căn cứ biên bản điều tra hiện trạng của Tổ công tác, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thu hồi đất, để thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân lập dự toán tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt lại (bao gồm cả mức thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất), gửi Phòng chuyên môn quận, huyện, thị xã thẩm định để báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xem xét, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.
3. Chi phí phá dỡ các công trình xây dựng trong phạm vi chỉ giới thu hồi đất giải phóng mặt bằng phải được xác định và tính toán trong giá trị tổng mức đầu tư của dự án.
Câu 23: Bồi thường việc di chuyển mồ mả được quy định như thế nào? Việc di chuyển mồ mả trong triển khai đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có gì khác không?
Trả lời:
1. Pháp luật quy định về việc bồi thường di chuyển mồ mả như sau:
Theo Điều 17 Quyết định số 10/2017/QĐ- UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội thì:
+ Trường hợp hộ gia đình di chuyển mồ mả về khu đất do Nhà nước bố trí thì được bồi thường di chuyển mồ mả theo đơn giá cụ thể do Ủy ban nhân dân Thành phố quy định mộ chí (đơn giá quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 14/10/2019 của UBND thành phố Hà Nội).
+ Trường hợp gia đình tự lo đất di chuyển mồ mả thì ngoài phần bồi thường di chuyển theo khoản 1 Điều này, hộ gia đình được hỗ trợ thêm chi phí về đất đai là 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/mộ.
+ Đối với mộ có nhiều tiểu: Ngoài việc bồi thường di chuyển đối với 01 mộ (tương ứng với 01 tiểu) theo quy định; mỗi một tiểu phát sinh sẽ được bồi thường di chuyển theo đơn giá mộ đất do Ủy ban nhân dân Thành phố quy định.
Đơn giá cụ thể từng loại mộ như sau:
Loại mộ | Đơn giá |
- Mộ đất | 5.249.000 đồng |
- Mộ xây bằng gạch, ốp đã xẻ hoặc trát vữa xi măng, quét nước xi măng; kích thước mộ: dài 1.44 x rộng 0.96 x cao 1.6m | 6.315.000 đồng |
- Mộ xây bằng gạch, trát vữa xi măng, quét nước xi măng; kích thước mộ: dài 2.4 x rộng 1.24 x cao 0.8m | 11.698.000 đồng |
- Mộ xây bằng gạch, ốp đã xẻ, kích thước mộ: dài 2.4 x rộng 1.24 x cao 0.8m | 14.192.000 đồng |
2. Việc di chuyển mồ mả trong triển khai đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được quy định như sau:
Theo Quyết định số 3956/QĐ-UBND ngày 20/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội, để động viên người sử dụng đất khi bị thu hồi đất di chuyển mộ sớm, đáp ứng tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, ngoài khoản bồi thưỡng di chuyển mồ mả như quy định tại Điều 17 Quyết định số 10/2017/QĐ- UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội thì còn được hưởng hỗ trợ khác mức 2 triệu đồng/ngôi mộ khi bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Câu 24. Khi người dân chấp hành tốt việc tháo dỡ, bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng dự án đường Vành đai 4 thì người bị thu hồi có được hỗ trợ thêm gì không?
Trả lời:
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là công trình trọng điểm Quốc gia nên khi người dân chấp hành tốt việc tháo dỡ, bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng dự án đường Vành đai 4 thì được nâng mức thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng theo quy định tại c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố, theo đó:
- Chủ sử dụng đất nông nghiệp có đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định, đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thì được thưởng 10.000 đồng/m2, nhưng không quá 10.000.000 đồng/chủ sử dụng đất;
- Chủ sử dụng đất khi bị thu hồi toàn bộ đất ở hoặc thu hồi một phần đất ở nhưng buộc phải phá dỡ toàn bộ nhà ở, đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thì được thưởng là:
+ 30.000.000 đồng đối với trường hợp bàn giao mặt bằng trong thời gian 01 ngày kể từ thời điểm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ;
+ 20.000.000 đồng đối với trường hợp bàn giao mặt bằng trong thời gian 04 ngày kể từ thời điểm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ;
+ 15.000.000 đồng đối với trường hợp bàn giao mặt bằng trong thời gian 05 ngày kể từ thời điểm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ;
+ 10.000.000 đồng đối với các trường hợp bàn giao trong thời hạn quy định.
- Chủ sử dụng đất khi bị thu hồi một phần đất ở, đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thì được thưởng là:
+ Đối với trường hợp bàn giao mặt bằng trong thời gian 01 ngày kể từ thời điểm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, được thưởng 2.000.000 đồng/m2 nhưng không quá 15.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.
+ Đối với trường hợp bàn giao mặt bằng trong thời gian 04 ngày kể từ thời điểm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, được thưởng 1.500.000 đồng/m2 nhưng không quá 10.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.
+ Đối với trường hợp bàn giao mặt bằng trong thời gian 05 ngày kể từ thời điểm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, được thưởng 1.000.000 đồng/m2 nhưng không quá 7.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.
+ Đối với các trường hợp bàn giao trong thời hạn quy định, được thưởng 500.000 đồng/m2 nhưng không quá 5.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.
Câu 25: Đối với những trường hợp đang khiếu nại, tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì việc bàn giao mặt bằng được quy định như thế nào?
Trả lời:
Thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 30 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP: "Trường hợp diện tích đất thu hồi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà chưa giải quyết xong thì tiền bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất đang tranh chấp đó được chuyển vào Kho bạc Nhà nước chờ sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết xong thì trả cho người có quyền sử dụng đất".
Câu 26: Các trường hợp không chấp hành quyết định thu hồi đất, bàn giao mặt bằng sẽ xử lý ra sao?
Việc không chấp hành Quyết định thu hồi đất, bàn giao mặt bằng sẽ bị cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo Điều 70, Điều 71 Luật Đất đai 2013, cụ thể như sau: Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Câu 27: Sau khi hoàn thiện đường Vành đai 4, việc lưu thông của người dân sẽ thuận lợi như thế nào?
Trả lời:
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với quy mô chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh; Đường Vành đai 4 là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, điểm đầu của Dự án nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Người dân khi có nhu cầu di chuyển tới các tỉnh không phải di chuyển qua các khu vực nội đô, giảm thời gian di chuyển và giảm ách tắc giao thông nội đô.
Phòng Tư pháp huyện (sưu tầm)
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |