Quy hoạch - đô thị
Chiều 10/5, UBND huyện tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô và kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố. Dự hội nghị có đồng chí Phan Thanh Quang – Trưởng phòng Quy hoạch-Kế hoạch; đồng chí Nguyễn Thái Bình – Trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố; đại diện lãnh đạo UBND, phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển Quỹ đất các quận, huyện có Dự án đi qua. Về phía huyện Hoài Đức, dự, chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Anh – UV BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo một số phòng, ban liên quan huyện.
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn Thành phố Hà Nội có chiều dài 58,2km, đi qua các quận, huyện: Hà Đông, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín, Đan Phượng, Mê Linh. Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện Dự án đường Vành đai 4 trên toàn địa bàn Thành phố là 793,89ha. Thời gian qua, các địa phương đã thể hiện rõ sự chủ động, trách nhiệm và quyết tâm khi triển khai thực hiện Dự án. Tính đến ngày 05/5, UBND các quận, huyện đã giải phóng mặt bằng xong 420,84ha, đạt 53,1% diện tích đất thu hồi. Về mộ chí, đã chi chuyển được 5.983/10.921 ngôi mộ, đạt 54,87%.
Chia sẻ về kết quả công tác giải phóng mặt bằng Dự án trên địa bàn huyện Hoài Đức, đại diện huyện cho biết: dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành uỷ, lãnh đạo UBND Thành phố, lãnh đạo các Sở, ngành Thành phố, Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện, đặc biệt là nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận và nhân dân trên địa bàn, tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 cơ bản đáp ứng yêu cầu Thành phố đề ra. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt và thu hồi được 114,6ha diện tích đất; tổ chức chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng cho 3.694 hộ và di chuyển được 1.464 ngôi mộ. Theo kế hoạch, đến hết tháng 6/2023, diện tích giải phóng mặt bằng của huyện đạt 82%.
Đ/c Nguyễn Anh – UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ những kinh nghiệm và kết quả công tác GPMB Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện
Để đạt được kết quả khả quan như trên, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung vào cuộc. Mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước về đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 được quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cùng với đó, việc UBND Thành phố, HĐND Thành phố ban hành những chính sách đặc thù về chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư của Dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi bị thu hồi đất như: tái định cư, hỗ trợ đất nông nghiệp giáp ranh quận, hỗ trợ kinh phí di chuyển mộ chí. Huyện cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án bằng nhiều hình thức. Đồng thời, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong công tác GPMB đảm bảo dân chủ, công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án theo kế hoạch, huyện Hoài Đức kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn trình tự thu hồi đất làm cơ sở thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định đối với dự án Trạm xăng dầu và gara ô tô của HTX Thương mại Đồng Tâm trên địa bàn xã Song Phương đang triển khai dang dở. Đề nghị Sở phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn việc bồi thường, hỗ trợ di chuyển mồ mả và lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ hạng mục chỉnh trang nghĩa trang phục vụ việc di chuyển mồ mả ra khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng Dự án. Hướng dẫn, xác định nguồn gốc đất cho các hộ có đất giao trái thẩm quyền, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất;…
Đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện có dự án đường Vành đai 4 trao đổi tại hội nghị
Tại hội nghị, 06 quận, huyện còn lại có Dự án đường Vành đai 4 đi qua cũng đã thông tin nhanh về kết quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn của đơn vị mình; đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Cam kết nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án theo chỉ đạo, phục vụ khởi công Dự án vào cuối tháng 6/2023, các quận, huyện cũng kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp cá thể, đất nông nghiệp có vườn, ao liền kề; việc cấp GCNQSDĐ vượt hạn mức gây khó khăn trong xác định nguồn gốc đất; công tác di dời các công trình hạ tầng ngầm, nổi trong phạm vi giải phóng mặt bằng; công tác di chuyển mộ chí;...
Đ/c Phan Thanh Quang – Trưởng phòng Quy hoạch-Kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố phát biểu tại hội nghị
Thẳng thắn trao đổi, có ý kiến đối với những kiến nghị của 07 quận, huyện, các đồng chí lãnh đạo các phòng của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã thống nhất các nội dung để tổ chức thực hiện, tránh xảy ra sai sót, trên nguyên tắc tuân thủ các chính sách theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân. Nhấn mạnh dự án đường Vành đai 4 là Dự án điển hình của công tác giải phóng mặt bằng, bởi tính bài bản, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến các quận, huyện đã góp phần đạt kết quả tích cực. Trên tinh thần đó, Sở Tài nguyên và Môi trường mong rằng các quận, huyện sẽ nhân rộng cách thức triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án đường Vành đai 4 đối với những dự án khác ở trên địa bàn.
Ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đã xuất hiện những cách làm hay, hiệu quả góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện đặc biệt chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án.
Phượng Nguyễn
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |