Người tốt - việc tốt
Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao những điều kỳ diệu; có những điều vĩ đại nhưng rất đời thường. Ở bài viết này, tôi muốn kể với các bạn một câu chuyện rất đời thường nhưng cũng rất vĩ đại, đó là câu chuyện về gia đình anh Nguyễn Kiến Hưởng, sinh sống tại thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức.
Khi nói đến số nhà 12, ngõ 56 ở thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu, người ta sẽ nghĩ đến Thư viện Dương Liễu, một trong những thư viện tư nhân đầu tiên trên địa bàn huyện Hoài Đức. Thư viện đi vào hoạt động từ năm 2013 và đã có nhiều hoạt động ý nghĩa đối với cộng đồng. Thời gian qua, có nhiều phóng sự truyền hình, nhiều bài báo viết về Thư viện Dương Liễu nhưng ít ai biết rằng, để có một Thư viện Dương Liễu với phòng đọc rộng 50m2, nơi vẫn được coi là thiên đường của các bạn nhỏ, có một người lặng lẽ đứng đằng sau, lặng lẽ cống hiến như một sự hiển nhiên, đó chính là gia đình anh Nguyễn Kiến Hưởng, chủ căn nhà nơi Thư viện Dương Liễu đóng chân.
Trong cái tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Kiến Hưởng. Gia đình anh có nghề làm mộc. Trên diện tích đất hơn 200m2 là căn nhà gỗ khang trang. Toàn bộ khu vực cổng nhà, lối đi, sân chơi và gian phòng diện tích 50m2, anh dành cho Thư viện Dương Liễu
Ở một khu vực được coi là “khu vực vàng” của Dương Liễu, lại là đất thổ cư từ đời cha ông để lại, nằm ở mặt đường, nếu không sử dụng đến gia đình anh có thể cho thuê hoặc làm chỗ kinh doanh buôn bán, thậm chí có thể mở rộng xưởng sản xuất. Thế nhưng gia đình anh đã có một cách nghĩ, một việc làm đáng trân trọng: Cho Thư viện Dương Liễu mượn miễn phí.
Không gian bên trong của Thư viện Dương Liễu
Khi chúng tôi hỏi: Lý do nào để anh cho thư viện Dương Liễu mượn miễn phí mặt bằng, anh Hưởng chia sẻ: Năm 2019, căn nhà của anh Nguyễn Bá Lương- người sáng lập thư viện Dương Liễu được nhượng lại cho người khác. Người chủ mới muốn sử dụng căn nhà để làm nơi ở khiến Thư viện Dương Liễu đứng trước nguy cơ không còn mặt bằng để tiếp tục hoạt động. Gia đình tôi suy nghĩ nhiều lắm. Các cụ có nói “Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu”. Tôi đã bàn với mẹ, với vợ con và đi đến quyết định: Cải tạo phần ngôi nhà phía ngoài và cho Thư viện Dương Liễu mượn địa điểm này để hoạt động. Gia đình tôi có ba người con. Con trai lớn của tôi là một thành viên của thư viện từ những ngày đầu tiên, cháu đã từng được các anh, các chị phụ trách thư viện dành cho những phần thưởng xứng đáng khi đọc được nhiều sách trong tuần. Cháu được tham gia chuyến đi thiện nguyện trên Sơn La cùng các anh chị khi mới chỉ là học sinh lớp 7. Những cuốn sách cháu đọc, những trải nghiệm mà cháu được tham gia đã giúp con trai tôi có những suy nghĩ rất tích cực về những việc làm đối với cộng đồng. Cháu đã nêu ý kiến với bố mẹ về việc cho thư viện mượn mặt bằng. Những suy nghĩ và ý tưởng của cháu được chúng tôi tán thành. Con tôi đã có cách nghĩ rất hay. Tôi nghĩ việc cho thư viện Dương Liễu mượn mặt bằng để duy trì hoạt động có thể là mong muốn của nhiều bà con ở thôn tôi, bởi ai chẳng muốn con mình có một môi trường sinh hoạt, học tập tốt nhất.
Nhiều hoạt động ý nghĩa thu hút đông đảo sự tham gia của trẻ em, thanh thiếu niên trên địa bàn xã Dương Liễu
Khi chúng tôi hỏi về việc cho Thư viện mượn địa điểm, gia đình có gặp những phiền toái nào không? Anh cười: Nếu nói là không thì đó là không thật lòng bởi khi cho thư viện mượn phòng, gia đình tôi phải thu hẹp mặt bằng sản xuất; việc cải tạo cũng tốn kém. Hơn nữa, các thành viên khi đến thư viện đọc sách phần lớn là các cháu nhỏ, tuổi hiếu động. Ban đầu các cháu chưa có ý thức, xe thì để ở giữa đường đi, nhiều cháu đến ban đầu còn nghịch ngợm. Nhiều hôm, đến gần 10h đêm các cháu mới về. Tuy nhiên, chúng tôi lại có rất nhiều cái “được”. Đó là việc chúng tôi đã giúp cho Ban quản lý Thư viện không phải đau đầu đi tìm địa điểm; thứ hai, mặt bằng này rộng rãi hơn so với thư viện trước đây giúp các cháu có thể thiết kế hoạt động theo đúng ý tưởng của mình. Hơn nữa, tôi có hai đứa con đang độ tuổi học sinh THCS, Thư viện ở tại nhà giúp các cháu có ý thức rèn luyện thói quen tốt như đọc sách; học theo những điều tốt đẹp từ các chương trình Thư viện tổ chức; học được sự sáng tạo từ các anh chị thành viên, đó là nguồn lợi mà không phải ai cũng có được. Gia đình tôi cũng được lên ti vi, lên báo nhờ thư viện mà. (Anh nói vui)
Nghe một người đàn ông chỉ mới học hết THCS chia sẻ về lý do hành động của mình, chia sẻ về sự tự nguyện cho Thư viện Dương Liễu mượn nhà, mượn mặt bằng để hoạt động từ hơn 3 năm nay tôi thấy xúc động vô cùng. Ai đến thư viện cũng coi căn phòng đó hiển nhiên phải có, điều hoà đó mình hiển nhiên sử dụng. Nhưng đâu biết đằng sau một căn phòng đẹp đẽ, khang trang trên một địa điểm mà bao người mơ ước phải là một “tấm lòng vàng” hào hiệp, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng. Bởi, nếu chỉ tính mỗi tháng, số tiền bỏ ra thuê một mặt bằng “đắc địa” như thế tại làng nghề như xã Dương Liễu phải mất khoảng 5 triệu đồng thì 3 năm qua, số tiền mà gia đình anh Nguyễn Kiến Hưởng cống hiến cho cộng đồng đã lên con số hai trăm triệu đồng.
Nghĩa cử cao đẹp của gia đình anh thật đáng được trân trọng và lan toả. Ngôi nhà của anh đã trở thành điểm đến của bao trẻ em Dương Liễu. Nơi đây đã góp phần nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp, để những tâm hồn đẹp ấy khi đã trưởng thành lại mong muốn góp phần làm nhiều điều ý nghĩa cho quê hương.
Vợ chồng anh Nguyễn Kiến Hưởng- người cho Thư viện Dương Liễu mượn địa điểm để duy trì hoạt động
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Dung
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |