Kinh tế - chính trị

Công tác xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn
Ngày đăng 28/11/2024 | 09:15  | View count: 12

Với mục tiêu xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, huyện Hoài Đức đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ phụ trách về công tác quản lý an toàn thực phẩm; chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về sản xuất thực phẩm an toàn. Đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn các cá nhân, tổ chức cách xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng các loại như rau, củ, quả, thịt lợn sạch và chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.

Xây dựng những vườn ổi lê đạt chứng nhận VietGAP tại Di Trạch

Đến nay, toàn huyện có 77,5 ha được chứng nhận VietGAP của 9 đơn vị bao gồm 6 HTX và 3 hộ kinh doanh. Các sản phẩm chủ yếu là cây ăn quả và rau các loại. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện là 3,3 ha tập trung tại xã Cát Quế và Yên Sở. Diện tích cấp mã số vùng trồng nội tiêu của 13 đơn vị là 51,91 ha và diện tích cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây bưởi là 26,32 ha tại 2 xã Yên Sở và Cát Quế. Việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được triển khai bằng nhiều giải pháp, điển hình như việc thúc đẩy người dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Các địa phương trong huyện cũng trực tiếp tham gia với vai trò là “cầu nối” để doanh nghiệp và người dân thuận lợi thực hiện liên kết, nhằm bảo đảm lợi ích và quyền lợi chính đáng cho cả hai bên. Cùng với đó, huyện còn tạo nhiều thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm tiết kiệm thời gian, sức lực cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bưởi đường Quế Dương đã được cấp mã số vùng trồng

Để các chuỗi liên kết không bị đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX đã chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các công đoạn từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đều có bộ phận giám sát kỹ càng, tránh sai sót, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng. Huyện cũng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội kiểm tra, giám sát các cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng nội tiêu và xuất khẩu tại xã Đức Thượng, Sơn Đồng, An Khánh, Lại Yên, Đức Giang, Đông La, Minh Khai, Cát Quế, Yên Sở. Hướng dẫn 03 xã Dương Liễu, Vân Côn, Song Phương hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng nội tiêu, kết quả 03 xã đã được cấp mã số. Hiện nay diện tích cấp mã số vùng trồng nội tiêu của các đơn vị là 51,91 ha và diện tích cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây bưởi là 26,32 ha tại 2 xã Yên Sở và Cát Quế.

Xây dựng chứng nhận nhãn hiệu tập thể bánh Đa nem Ngự Câu

Công tác xây dựng nhãn hiệu cũng là vấn đề được huyện Hoài Đức quan tâm giúp xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Toàn huyện hiện có 8 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm Rau an toàn Tiền Lệ, Bưởi đường Quế Dương, Bưởi đường La Tinh, Phật Thủ Đắc Sở, Nhãn chín muộn Hoài Đức, Bánh gai xã Yên Sở, Ổi Di Trạch và bánh Đa nem Ngự Câu. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất rau, quả an toàn với diện tích 176 ha theo hệ thống đảm bảo có sự tham gia theo chuỗi PGS - chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ theo các quy định của sản xuất hữu cơ. Cụ thể, HTX Phương Viên, Phương Bảng, Song Phương, HTX Nông nghiệp Quế Dương, xã Cát Quế, HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên và HTX Nông nghiệp Vân Côn, xã Vân Côn.

Việc triển khai liên kết sản xuất, bảo đảm quy trình an toàn thực phẩm trong từng công đoạn, từ khâu sản xuất đến khâu cung ứng cho người tiêu dùng để tạo thành chuỗi giá trị, là hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Hương Đỗ

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh