Kinh tế - chính trị
Ngày 22/01/2019, Ban Bí thư TW Đảng khoá XII ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn huyện đạt được một số kết quả.
Giai đoạn 2019-2024, Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện đã xây dựng và ban hành 24 văn bản các loại để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Huyện thường xuyên khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và các cấp, các ngành, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Để nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo bảo vệ quyền lợi tiêu dùng, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ ban hành kế hoạch hoặc lồng ghép vào chương trình công tác thường xuyên để triển khai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội liên quan; tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tham gia tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa; tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Giai đoạn 2019-2023, UBND huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn, toạ đàm cho hơn 1.000 người tiêu dùng về kiến thức và quyền lợi của người tiêu dùng nhằm nâng cao khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng; Cảnh báo và hướng dẫn người tiêu dùng về các dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng; dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép; Tuyên truyền tới các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong 5 năm qua, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng. Huyện thành lập 03 đoàn kiểm tra thí điểm chuyên ngành ATTP; phát hiện, xử phạt 03 cơ sở vi phạm, số tiền hơn 8 triệu đồng; thực hiện cuộc kiểm tra chuyên đề đối với 02 công ty sản xuất và kinh doanh thuốc, xử phạt số tiền 55 triệu đồng. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, an toàn.
Công tác thanh tra, kiểm tra sản phẩm hàng hoá tiêu dùng được các lực lượng chức năng huyện đặc biệt chú trọng
Đặc biệt, UBND huyện quan tâm, chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách, các Đề án, biện pháp cần thiết để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của địa phương. Điển hình như, hỗ trợ đầu tư 04 dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng vào sản xuất theo Chương trình Khuyến công tại các xã Sơn Đồng, An Thượng, Đức Thượng, Dương Liễu. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mã QR Code cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, đã có 108 sản phẩm đăng ký mã QR CODE trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản check.net.vn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Minh Khai; Làng nghề Bánh kẹo - Dệt kim La Phù và xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề xã Cát Quế theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Huyện phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm năm 2021; các Hội chợ, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Triển khai mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn Globalgap mang lại giá trị kinh tế cao
Triển khai thực hiện 07 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp tại các xã Yên Sở, Cát Quế, Đông La, Song Phương với sự tham gia của trên 360 hộ dân. Trong đó một số mô hình tiêu biểu như: mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn Globalgap, quy mô 5 ha; 2 mô hình cấp mã vùng trồng bưởi bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, với quy mô 26,32 ha;…. Đồng thời hoàn thành nghiệm thu mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm vụ mùa tại HTXNN Quế Dương, diện tích 5ha. Phối hợp đề nghị hỗ trợ cấp giấy chứng nhận Chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP đối với 02 cơ sở sơ chế thực phẩm tại Kim Chung và xã Đức Giang và 01 cơ sở hỗ trợ về bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Trong triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, các chủ thể tham gia Chương trình được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ tham gia các sự kiện, quảng bá, giới thiệu sản phẩm do Thành phố tổ chức, được tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng bán hàng online,... Qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện. Tính đến tháng 10/2024, Hoài Đức có 131 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên, trong đó 88 sản phẩm đạt 4 sao, 43 sản phẩm đạt 3 sao.
Huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP
Cũng từ năm 2021 đến nay, huyện tổ chức lấy 385 mẫu các sản phẩm thực phẩm để phân tích, làm cơ sở giám sát chất lượng ATTP trên địa bàn toàn huyện.
Tuy nhiên trong triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn tồn tại một số hạn chế như: Các hoạt động thông tin tuyên truyền chưa thực chất, đi vào chiều sâu; công tác rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy người Việt Nam dùng hàng Việt Nam còn chậm; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa chưa hấp dẫn người tiêu dùng; còn tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý điều hành, thời gian tới Huyện uỷ, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị số 30-CT/TW tạo chuyển biển sâu sắc về nhận thức đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trọng tâm là tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật hiện hành để mọi người dân trên địa bàn được biết, hiểu thêm về quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh cũng như người dân nắm rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động các cửa hàng tiện ích, nhà phân phối trên địa bàn sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa dùng một lần khó phân hủy, khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm của đơn vị đến tay người tiêu dùng. Nhân rộng các mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm;… Huyện cũng kiến nghị UBND Thành phố có cơ chế quản lý trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự có hiệu quả; hỗ trợ tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các địa phương về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Phượng Nguyễn
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |