Kinh tế - chính trị
Sáng 19/4, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền-Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận chủ trì buổi làm việc với huyện Hoài Đức để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đề án xây dựng huyện thành quận. Cùng đi có đại diện lãnh đạo 13 sở, ngành chuyên môn của thành phố. Tiếp đoàn có đồng chí Nguyền Hoàng Trường-Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo UBND và các cơ quan chuyên môn của huyện.
Đồng chí Nguyễn Trung Thuận-UV BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện
báo cáo kết quả xây dựng huyện thành quận
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trung Thuận-Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện đã rà soát lại toàn bộ các tiêu chí huyện lên quận và xã lên phường đảm bảo chuẩn xác về nội hàm và phương pháp tính; rà soát nhiệm vụ, giải pháp, dự án cụ thể, nguồn lực để hoàn hoàn thành các tiêu chí.
Huyện Hoài Đức có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 84,93km2, bao gồm 19 xã và 1 thị trấn, trong đó có 9 xã có một phần diện tích nằm ngoài vùng phát triển đô thị và xã Vân Côn nằm hoàn toàn trong vùng bãi Sông Đáy. Về diện tích tự nhiên, cấp huyện tổng diện tích tự nhiên 8.493,15ha, đáp ứng tiêu chuẩn diện tích tự nhiên đối với đơn vị hành chính quận. Đối với cấp xã, đối chiếu tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính dự kiến thành lập phường, huyện có 3 xã, thị trấn là Minh Khai, Đắc Sở, thị trấn Trạm Trôi không bảo đảm tiêu chuẩn. UBND huyện đã báo cáo Sở Nội vụ và UBND thành phố Hà Nội, sau khi hợp nhất 3 đơn vị là xã Minh Khai, Đắc Sở, thị trấn Trạm Trôi để bảo đảm tiêu chuẩn thành lập phường, dự kiến huyện Hoài Đức còn 17 đơn vị hành chính cấp xã, đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích phường. Về dân số, toàn huyện có 291.450 người, bảo đảm tiêu chuẩn dân số đơn vị hành chính quận; các xã, thị trấn theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn 17 đơn vị hành chính, cơ bản đáp ứng tiêu chí về dân số phường. Qua rà soát, đến nay, Hoài Đức đã đạt 27/31 tiêu chí. Đối với các xã, thị trấn có 02/20 xã, thị trấn tự cân đối được ngân sách; 20/20 xã, thị trấn đạt mức tối thiểu về cơ sở hạ tầng thành lập phường…
Đại biểu tham gia buổi làm việc tại huyện Hoài Đức
Thời gian tới, huyện Hoài Đức tiếp tục rà soát, để xuất các giải pháp xây dựng huyện Hoài Đức thành quận, phấn đấu đạt 31/31 tiêu chí; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách, đôn đốc chủ đầu tư Cảng nội địa ICD Mỹ Đình hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng; triển khai các dự án cụm công nghiệp Dương Liễu - Giai đoạn 2; đưa vào sử dụng, dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Đông La; kêu gọi các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất trên địa bản lập chi nhánh và đóng thuế tại địa bàn huyện; đến quý IV/2024 đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng được vận hành chính thức, đưa tỷ lệ nước thải được xử lý lên 35% nhằm hoàn thành tiêu chí xử lý nước thải, tiêu chí công trình xanh và tiêu chí trường THPT đạt chuẩn quốc gia sẽ được hoàn thành trong năm 2024.
Trong năm 2024 và 2025, huyện tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thành các dự án giao thông, nhà máy xử lý nước thải Nam An Khánh, các khu công viên cây xanh, trường liên cấp, trường học, các khu thương mại dịch vụ công cộng, Bệnh viện Đa Khoa huyện Hoài Đức để tiếp tục củng cố và nâng cao các tiêu chí đã đạt.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Trường-Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức trao đổi tại hội nghị
Kiến nghị đề xuất với UBND thành phố, huyện Hoài Đức nêu rõ: Theo hồ sơ xin ý kiến cộng đồng dân cư và trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” định hướng phát triển đô thị phần phía Tây Vành đai 4, đoạn thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, dự kiến chỉ phát triển đô thị mở rộng tiếp từ Vành đai 4 đến đê Tả Đáy quy mô 688ha. Như vậy, huyện Hoài Đức sẽ có 73,94% diện tích nằm trong vùng phát triển đô thị, còn khoảng 2.213,15 ha (chiếm 26,06%) đất nằm ngoài khu vực định hướng phát triển đô thị, không bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển huyện Hoài Đức lên quận (huyện có 2/3 dân số hiện trạng đang sống ở khu vực phía Tây Vành đai 4). Vì vậy, đề nghị UBND thành và các Sở ngành liên quan bổ sung toàn bộ phần diện tích phía Tây Vành đai 4 của huyện vào vùng phát triển đô thị trong quá trình lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; lập quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 đến sông Đáy, quy mô toàn bộ phía Tây sông Đáy; bổ sung huyện Hoài Đức vào báo cáo phân loại đô thị của thành phố nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý khi phát triển thành quận. Về cân đối thu chi ngân sách cấp huyện và đặc biệt là cấp xã là tiêu chí khó đạt, huyện đề nghị thành phố và các sở ngành tiếp tục có các biện pháp, giải pháp và cơ chế, chính sách để huyện Hoài Đức và các xã, thị trấn đạt tiêu chí, đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án và đi vào hoạt động nhằm góp phần hoàn thành các tiêu chí của huyện như: Cảng cạn ICĐ Mỹ Đình tại xã Đức Thượng, Dự án Trung tâm thương mại Showroom ô tô Trường Hải, Dự án trung tâm thương mại thị trấn Trạm Trôi; Trạm xử lý nước thải Sơn Đồng. Huyện cũng đề xuất thành phố chỉ đạo phân bổ nguồn thu từ thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện Hoài Đức. Đối với tiêu chí công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị, địa bàn huyện có 4 tổ hợp Trung tâm thương mại dịch vụ chung cư diện tích trên 10.000m², đề nghị thành phố, Sở Công thương thống nhất đánh giá các sàn thương mại, dịch vụ này là các công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị.
Đại diện các Sở, ngành của Thành phố trao đổi tại hội nghị
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở: Quy hoạch Kiến trúc, Giao thông vận tải, Nội vụ, Lao động Thương binh - Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, Xây dựng… đã đánh giá và đề xuất những giải pháp để giúp huyện Hoài Đức hoàn thành các tiêu chí quận, liên quan đến: Quy hoạch, xử lý nước thải, công trình cây xanh, tuyến phố văn minh đô thị, mật độ giao thông, trường chuẩn quốc gia…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền-Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền-Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện trong thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, sự trách nhiệm hỗ trợ huyện của các sở, ngành chức năng. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu huyện thực hiện các tiêu chí bảo đảm đúng quy định, phải hoàn thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, song song với hoàn thiện các tiêu chí quận, nhất là rà soát, hoàn thiện 4/31 tiêu chí còn lại. Huyện Hoài Đức xây dựng kế hoạch một cách cụ thể các chỉ tiêu, công việc, có biểu tiến độ và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đơn vị, địa phương, đồng thời cả hệ thống chính trị huyện cùng vào cuộc để tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành từng phần việc, tăng tốc để về đích trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng giao các sở, ngành sớm hoàn thành hồ sơ để thành phố trình Trung ương công nhận Hoài Đức đạt nông thôn mới nâng cao; giao Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng với các đơn vị liên quan hướng dẫn huyện Hoài Đức hoàn thành tiêu chí quy hoạch, những vấn đề vượt thẩm quyền, cần kịp thời báo cáo UBND thành phố. Về cân đối ngân sách và điều tiết nguồn thu, giao Sở Tài chính, Cục thuế và các đơn vị liên quan hướng dẫn cho huyện tính toán cân đối nguồn ngân sách; giao Sở Kế hoạch Đầu tư đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn huyện; về các công trình thương mại dịch vụ, Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn huyện rà soát thực hiện đúng yêu cầu. Đối với các tiêu chí về giao thông, môi trường, thoát nước, hộ cận nghèo, trường học.., Phó Chủ tịch UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các sở ngành hướng dẫn huyện thực hiện.
Thanh Thạo
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |