VĂN BẢN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP
1. Nghị định số 117/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó:
Nghị định 117/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 29 đấu nối vào quốc lộ. Theo đó, ngoài 3 loại đường đấu nối vào quốc lộ đã được quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP bao gồm: 1- Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị; 2- Đường chuyên dùng; 3- Đường gom, Nghị định mới bổ sung thêm đường từ các khu vực, công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; chịu trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng thông hành của tuyến đường.
Trường hợp điểm đấu nối nằm trong khu vực có địa hình khó khăn trong việc xây dựng đường gom do hành lang đường bộ bị chia cắt như núi cao, vực sâu, sông, suối, đường sắt và các chướng ngại vật khác khó khăn trong việc di dời hoặc điểm đấu nối từ các công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình trọng điểm quốc gia, công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đấu nối vào quốc lộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.
Trường hợp điểm đấu nối nằm trong phạm vi dự án quốc lộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền của dự án đối tác công tư.
Việc thiết kế, xây dựng nút giao điểm đấu nối phải tuân thủ theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành, bảo đảm khả năng thông hành và an toàn giao thông.
Đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh, đường gom. Khi hình thành hoặc mở rộng địa giới hành chính của đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải sử dụng hệ thống đường địa phương hiện có hoặc xây dựng đường gom dọc theo quốc lộ nhằm giảm thiểu tối đa việc đấu nối trực tiếp vào quốc lộ.
Đối với dự án quốc lộ được xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, nắn chỉnh tuyến hoặc xây dựng tuyến tránh, ngay từ bước lập dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải căn cứ vào các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định vị trí và quy mô của nút giao của đường nhánh đấu nối vào quốc lộ.
Căn cứ quyết định phê duyệt điểm đấu nối vào quốc lộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng điểm đấu nối lập và gửi hồ sơ đến cơ quan đường bộ có thẩm quyền xem xét, chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của điểm đấu nối vào quốc lộ.
Việc quản lý, sử dụng đất để làm đường nhánh đấu nối vào quốc lộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
2. Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ. Theo đó:
Thông tư gồm 16 điều quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
3. Thông Tư số 07/TT-BNV ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo công tác ngành Nội vụ. Theo đó:
Một trong những điểm mới về định chế độ báo cáo công tác ngành Nội vụ là việc chuẩn hóa, tích hợp danh mục chế độ báo cáo định kỳ ngành Nội vụ trên hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Nội vụ.
Việc chuẩn hóa, tích hợp danh mục chế độ báo cáo định kỳ ngành Nội vụ trên hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Nội vụ thực hiện như sau:
Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, năm (năm báo cáo) và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, năm (liền kề) của ngành Nội vụ, thực hiện theo Phụ lục số 1;
Danh mục các chế độ báo cáo lĩnh vực tổ chức biên chế; công chức viên chức; chính sách tiền lương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quản lý hội, quỹ và các tổ chức phi chính phủ đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ngành Nội vụ, thực hiện theo Phụ lục số 2;
Chế độ báo cáo lĩnh vực cải cách hành chính, thực hiện theo Phụ lục số 3;
Chế độ báo cáo lĩnh vực chính quyền địa phương, thực hiện theo Phụ lục số 4;
Chế độ báo cáo về công tác thanh niên, thực hiện theo Phụ lục số 5.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, thay thế Thông tư 08/2019/TT-BNV ngày 10/6/2019.
4. Thông Tư số 17/2021/TT-BNNPTNN ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó:
Thông tư này quy định việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Yêu cầu chung đối với truy xuất nguồn gốc:
1. Cơ sở phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Khi có yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cơ sở phải cung cấp thông tin đã được lưu giữ về cơ sở cung cấp lô hàng nhận và cơ sở tiếp nhận lô hàng giao trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
3. Thực phẩm sau mỗi công đoạn phải được mã hóa, nhận diện bằng một phương thức thích hợp để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
4. Cơ sở thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực phải thiết lập, duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Điều 5 và lưu trữ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
5. Các cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này không bắt buộc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nhưng phải lưu trữ thông tin tối thiểu cho mục đích truy xuất quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 6 Thông tư này.
Phải ra quyết định thu hồi sản phẩm không bảo đảm ATTP trong 24 giờ:
Theo đó, có 02 hình thức thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn là thu hồi tự nguyện và thu hồi bắt buộc. Mặt khác, hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi bao gồm: khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn; chuyển mục đích sử dụng; tái xuất; tiêu hủy;… Đáng chú ý, trong thời gian tối đa 24 giờ, kể từ thời điểm xác định thực phẩm thuộc trường hợp phải thu hồi, cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định thu hồi theo mẫu quy định.
Bên cạnh đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm các nội dung chính sau: phạm vi áp dụng của hệ thống; thủ tục mã hóa, nhận diện nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh; thủ tục thẩm tra định kỳ và cập nhật, sửa đổi, bổ sung hệ thống;…
Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/02/2022.
5. Thông Tư số 19/2021/TT-BNNPTNN ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam. Theo đó:
Thuốc sử dụng trong nông nghiệp: 1.628 hoạt chất với 3.998 tên thương phẩm (hiện hành là 1.795 hoạt chất với 4.153 tên thương phẩm).
Thuốc trừ mối: 14 hoạt chất với 20 tên thương phẩm (hiện hành là 15 hoạt chất với 25 tên thương phẩm).
Thuốc bảo quản lâm sản: 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.
Thuốc khử trùng kho: 3 hoạt chất với 9 tên thương phẩm (hiện hành là 10 tên thương phẩm).
Thuốc sử dụng cho sân golf (gồm thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc điều hòa sinh trưởng): 04 hoạt chất với 04 tên thương phẩm.
Thuốc xử lý hạt giống (gồm thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh): 22 hoạt chất với 29 tên thương phẩm (hiện hành là 28 tên thương phẩm).
Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch: 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.
Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ chuột, thuốc trừ cỏ gồm 31 hoạt chất.
Xem nội dung chi tiết tại Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/02/2022, thay thế Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020.
Thông Tư số 20/2021/TT-BNNPTNN ngày 28/12/2021 Quy định hồ sơ nghiệp vụ kiểm dịch thực vật.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/02/2022.
6. Thông Tư số 109/2021/TT-BTC ngày 09/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2019/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại.
Ngày 09/12/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 109/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại.
Theo đó, các hệ thống ngân hàng thương mại được lựa chọn để mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu phải đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện (thay vì 05 điều kiện như quy định tại Thông tư số 58/2019/TT-BTC) sau đây: Có hệ thống Core Banking đặt tại Việt Nam; Đã kết nối với Cổng thông tin điện tử và thực hiện phối hợp thu ngân sách Nhà nước với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan;…
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước căn cứ danh sách ngân hàng thương mại được ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp hạng theo quy định, quyết định việc mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước tại các hệ thống ngân hàng thương mại đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đảm bảo quản lý thu, chi ngân quỹ Nhà nước an toàn, hiệu quả.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.
7. Thông Tư số 117/2021/TT-BTC ngày 22/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 05/6/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Theo đó:
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đối với các đối tượng khác ngoài lao động hợp đồng, đơn vị sử dụng kinh phí tinh giản biên chế là nguồn tài chính hợp pháp theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công để chi trả cho các chế độ sau:
Thứ nhất, thực hiện trợ cấp một lần bằng 03 tháng tiền lương hiện hưởng cho các đối tượng hưởng chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ NSNN, đối tượng hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Thứ hai, hỗ trợ nguyên tiền lương tháng hiện hưởng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề tối đa 06 tháng, trợ cấp kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa 06 tháng tiền lương hiện hưởng đối với các đối tượng tinh giản biên chế hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề quy định tại Điểm a - b, Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Đối với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã, kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã, được thực hiện như sau:
Đối với các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan khác đang được áp dụng cơ chế đặc thù, trong trường hợp quy định về cơ chế đặc thù đã bao gồm kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế như cơ quan Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội được sử dụng từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP.
Đối với các cơ quan còn lại, như cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách được giao hàng năm (ngoài phần kinh phí NSNN bố trí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế quy định tại Điểm b Khoản này) và nguồn thu của đơn vị được để lại sử dụng theo quy định (đối với đơn vị có nguồn thu) để chi trả trợ cấp một lần bằng 03 tháng tiền lương hiện hưởng. Quy định này được áp dụng cho các đối tượng hưởng chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ NSNN theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, đối tượng hưởng chính sách thôi việc ngay theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, đối tượng hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Đồng thời, hỗ trợ nguyên tiền lương tháng hiện hưởng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề tối đa là 06 tháng, trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng đối với các đối tượng tinh giản biên chế hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Thông tư số 117/2021/TT-BTC cũng quy định NSNN bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ còn lại theo nguyên tắc: Đối với đối tượng cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP do Trung ương quản lý thì ngân sách trung ương đảm bảo bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là các Bộ, cơ quan trung ương).
Đối với các đối tượng cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP do địa phương quản lý thì ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ theo quy định về phân cấp NSNN hiện hành và được bố trí từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đã bố trí trong dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị. Các địa phương tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế vào nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương hàng năm.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/02/2022.
Phòng Tư pháp tổng hợp
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |