Tin tức nổi bật
Sáng 07/11, Huyện ủy Hoài Đức tổ chức tọa đàm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Thị Huệ-Phó Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội, đồng chí Trần Văn Nghĩa-Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện và đồng chí Phùng Bá Nhân-Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận, Chánh Văn phòng Huyện uỷ chủ trì buổi toạ đàm.
Đồng chí Phùng Bá Nhân-UV BTV, Trưởng ban Dân vận, Chánh văn phòng Huyện uỷ Hoài Đức thông qua báo cáo đề dẫn
Những năm qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Hoài Đức quan tâm triển khai tổ chức thực hiện và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền làm chủ thực sự của người dân.
Các đồng chí chủ trì buổi toạ đàm
Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” , Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, năm 2023, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở huyện Hoài Đức đã ban hành Chương trình số 21-Ctr/BCĐ về hoạt động của Ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã chỉ đạo, ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện dân chủ gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Hội đồng nhân dân huyện và các xã thị trấn đã quan tâm, chú trọng đổi mới nội dung, chương trình kỳ họp, phương thức hoạt động chất vấn, giám sát. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền chuyển mạnh theo hướng gần dân, sát dân, có trách nhiệm và tôn trọng Nhân dân.
Năm 2024 đã tổ chức 21 hội nghị đối thoại, có khoảng 2.600 người tham gia với 371 nội dung được người dân quan tâm; tổ chức tiếp công dân thường xuyên với tổng số 140 lượt, 188 công dân; tổ chức tiếp định kỳ 148 lượt, 354 công dân. Đã tiếp nhận xử lý tổng số 289 đơn thư. Công tác cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được tập trung đẩy mạnh. Tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày được nâng lên. Bộ phận Một cửa của huyện đã tiếp nhận và giải quyết 6.379 hồ sơ; không có hồ sơ giải quyết quá hạn. Trong hoạt động của các doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm của đơn vị quản lý sử dụng người lao động, giữa trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ với bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các đơn vị quân đội, công an tiếp tục được quan tâm.
MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội luôn đổi mới nội dung hoạt động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong công tác giám sát, phản biện xã hội, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Các nội dung Nhân dân bàn, quyết định, dân tham gia ý kiến, dân giám sát, dân kiểm tra được gắn kết và tạo chuyển biến rõ nét trong phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc thi “ giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Quyền làm chủ của Nhân dân tiếp tục được phát huy, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, qua đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện.
Đại biểu trao đổi tại buổi Toạ đàm
Tại buổi tọa đàm, đã có 7 đại biểu đại diện cho MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và Đảng uỷ các xã, thị trấn trao đổi, thảo luận tập trung chủ yếu về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, BCĐ xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; trao đổi kinh nghiệm, những cách làm hay trong việc xây dựng thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn; về thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, trong doanh nghiệp. Trong đó nhấn mạnh đến công tác phối hợp giữa UB MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội huyện trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Từ đó đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở sở thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thị Huệ-Phó Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội
phát biểu tại buổi Toạ đàm
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Huệ-Phó Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở tại huyện Hoài Đức cũng như việc tổ chức toạ đàm. Đồng chí nhấn mạnh: với đặc thù của huyện trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển huyện thành quận, nhiều nội dung, nhiệm vụ phải triển khai thì việc thực hiện dân chủ ở cơ sở càng quan trọng hơn.
Đồng chí Trần Văn Nghĩa -Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện
phát biểu kết luận buổi Toạ đàm
Kết luận buổi toạ đàm, đồng chí Trần Văn Nghĩa-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Đức đề nghị thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan trong đó quán triệt rõ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có phương thức phù hợp để công khai những nội dung dân được biết, dân được bàn, dân kiểm tra theo quy định. Căn cứ vào thực tiễn để kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp và xác định rõ vai trò trách nhiệm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với kỷ cương, kỷ luật, có giải pháp xử lý đối với những hoạt động lợi dụng dân chủ. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phải gắn với phong trào thi đua yêu nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn với thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội”; Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các văn bản của Thành ủy, Huyện ủy về chỉ đạo và tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục chỉ đạo rà soát sửa đổi, xây dựng các hương ước, quy ước làng, khu dân cư cho phù hợp với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và thực tiễn hiện nay. MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội phát huy tốt vai trò trong việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan tới cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân; phối hợp giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Tăng cường hoạt động đối thoại gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh. Thực hiện hiệu quả, thực chất dân chủ ở các loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước./.
Thanh Thạo
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |