TÀI LIỆU PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Từ tháng 07/2023 có 05 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Thủ tướng chính phủ; 19 Thông tư, 01 Quyết định của KTNN có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023: Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó:
Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 01/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đối với 9 nhóm đối tượng.
a. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
b. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
c. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
d. Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
đ. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP).
e. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
g. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
h. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
i. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Dưới đây là mức lương chi tiết của công chức các hạng A, B, C áp dụng từ ngày 1/7/2023.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
- Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023: Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó:
Ngày 31/05/2023, Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan áp dụng từ ngày 15/07/2023.
Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế.
Căn cứ Điều 4 Nghị định 26/2023/NĐ-CP, biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế áp dụng từ ngày 15/07/2023 như sau:
Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP gồm mã số hàng hóa (mã hàng), mô tả hàng hoá, mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho từng nhóm mặt hàng, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì người khai hải quan khai mã hàng của hàng hoá xuất khẩu tương ứng với mã hàng 08 chữ số của hàng hóa đó theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP và không phải khai thuế suất trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu.
Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm có số thứ tự (gọi tắt là STT) 211 tại Biểu thuế xuất khẩu đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau:
Điều kiện 1: Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm (gọi chung là hàng hoá) không thuộc các nhóm có STT từ 01 đến STT 210 tại Biểu thuế xuất khẩu.
Điều kiện 2: Được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên. Việc xác định tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên thực hiện theo quy định tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Hàng hóa xuất khẩu thuộc các trường hợp loại trừ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2017/NĐ-CP không thuộc nhóm có STT 211 của Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP.
Mã số và thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm có số thứ tự 211:
Đối với các mặt hàng được chi tiết mã hàng 08 chữ số và mô tả hàng hóa của các nhóm 25.23, 27.06, 27.07, 27.08, 68.01, 68.02, 68.03 tại STT 211 của Biểu thuế xuất khẩu, người khai hải quan kê khai mức thuế suất thuế xuất khẩu tương ứng với mã hàng đó quy định tại STT 211. Trường hợp không kê khai mức thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định tại nhóm có STT 211 thì người nộp thuế phải nộp Bảng kê tỷ lệ giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm của hàng hóa xuất khẩu theo Mẫu số 14 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP tại thời điểm làm thủ tục hải quan để chứng minh hàng hoá kê khai có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm. Trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp thương mại mua hàng từ doanh nghiệp sản xuất hoặc doanh nghiệp thương mại khác để xuất khẩu nhưng không kê khai mức thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định tại nhóm có STT 211 thì người nộp thuế căn cứ thông tin của doanh nghiệp sản xuất cung cấp để thực hiện kê khai theo Mẫu số 14 Phụ lục II nêu trên để chứng minh tỷ lệ tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm. Người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc khai báo.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm có STT 211 nhưng chưa được chi tiết cụ thể mã hàng 08 chữ số và đáp ứng các điều kiện quy định tại đoạn (ii) nêu trên, người khai hải quan kê khai hàng hoá xuất khẩu theo mã hàng 08 chữ số quy định tại Mục I Phụ lục II về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP và khai mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế
Căn cứ Điều 5 Nghị định 26/2023/NĐ-CP, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế (gọi tắt là Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP áp dụng từ ngày 15/07/2023 bao gồm:
Quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với 97 chương theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Nội dung gồm: Tên các Phần, Chương; Chú giải; Chú giải phân nhóm; Danh mục Biểu thuế nhập khẩu gồm mô tả hàng hoá, mã hàng (08 chữ số) theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định cho mặt hàng chịu thuế.
Trường hợp Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sửa đổi, bổ sung, người khai hải quan kê khai mô tả, mã hàng theo Danh mục sửa đổi, bổ sung và áp dụng thuế suất của mã hàng sửa đổi, bổ sung.
Quy định Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc Chương 98. Nội dung gồm: Chú giải; Cách thức phân loại, điều kiện, thủ tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98, báo cáo kiểm tra quyết toán việc sử dụng hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98; Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi.
Các mặt hàng có tên tại Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại khoản 3 Mục II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP thì áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại khoản 3 Mục II Phụ lục II.
Việc phân loại hàng hoá và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tại Chương 98 đối với mặt hàng bộ linh kiện ô tô rời đồng bộ (bộ linh kiện CKD của ô tô), mặt hàng bộ linh kiện ô tô không đồng bộ, mặt hàng khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái (ô tô sát xi, có buồng lái) được thực hiện theo quy định tại khoản 1.1 Mục II Phụ lục II.
Các mặt hàng: Thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo và/hoặc Crôm và/hoặc Titan thuộc nhóm 98.11; Chất làm đầy da, Kem hỗ trợ chức năng bảo vệ da, gel làm giảm sẹo thuộc nhóm 98.25; Vải mành nylong 1680/D/2 và 1890 D/2 thuộc nhóm 98.26; Dây đồng có kích thước mặt cắt ngang tối đa trên 6 mm nhưng không quá 8 mm thuộc nhóm 98.30; Hạt nhựa Polypropylene dạng nguyên sinh thuộc nhóm 98.37; Thép không hợp kim, dạng thanh và dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng thuộc nhóm 98.39; Set-top-boxes thuộc nhóm 98.46; Ô ngăn hình mạng làm từ vật liệu Nano- composite Polymeric Alloy (Neoweb) thuộc nhóm 98.47 áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tại Chương 98 nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật quy định cụ thể tại khoản 1 Mục II Phụ lục II.
Cách thức phân loại, điều kiện, thủ tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98, báo cáo kiểm tra quyết toán việc sử dụng hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Mục II Phụ lục II.
Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98 đối với một số mặt hàng gồm: Mã hàng; mô tả hàng hoá; mã hàng tương ứng của mặt hàng đó tại Mục I Phụ lục II về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế; mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98.
Hàng hóa đáp ứng điều kiện để phân loại vào Chương 98 và đủ điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành được lựa chọn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hoặc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Đối với các mặt hàng được phân loại vào Chương 98, khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan kê khai cột “Mã hàng tương ứng tại Mục I Phụ lục II” nêu tại Chương 98, đồng thời ghi bên cạnh mã hàng của Chương 98.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/7/2023.
- Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023: Quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo đó:
Ngày 31/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2023/NĐ-CP về quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo đó, các trường hợp sau được miễn phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản:
Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
Hoạt động khai thác đất, đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai. Trường hợp đất, đá khai thác vừa sử dụng cho san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai vừa sử dụng cho mục đích khác thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm xác định khối lượng đất, đá thuộc đối tượng miễn phí; số lượng đất, đá sử dụng cho mục đích khác phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Sử dụng đất đá bóc, đất đá thải từ quá trình khai thác để cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực khai thác theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Việc xác định số lượng đất đá bóc, đất đá thải được miễn phí bảo vệ môi trường căn cứ vào:
Biên bản nghiệm thu khối lượng của từng khâu công nghệ khai thác gồm: Chuẩn bị đất đá, xúc bốc, vận tải, thải đá theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 41 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 tháng 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường.
Hồ sơ đóng cửa mỏ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật khoáng sản.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/7/2023.
- Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023: Quy định về tinh giản biên chế.
Bổ sung đối tượng tinh giản biên chế
Cụ thể, Nghị định 29/2023/NĐ-CP bổ sung một số đối tượng tinh giản biên chế, đơn cử như:
Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Sửa đổi quy định đối tượng chưa thực hiện tinh giản biên chế.
Theo Điều 4 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, đối tượng chưa thực hiện tinh giản biên chế bao gồm:
Những người đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế.
Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.
Bãi bỏ 03 Nghị định về tinh giản biên chế
Nghị định 29/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/7/2023; Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.
Nghị định 29/2023/NĐ-CP thay thế các Nghị định sau đây:
Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Bổ sung chính sách nghỉ hưu trước tuổi với nữ cán bộ, công chức cấp xã
Theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, đối tượng tinh giản biên chế là nữ cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 05 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 02 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP mà có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được hưởng trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân;
Được trợ cấp 03 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Bổ sung chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
Cụ thể Điều 8 Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội như sau:
Đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP;
Được trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
Đối tượng tinh giản biên chế là nữ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP mà có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì còn được hưởng các chế độ sau:
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
Được hưởng trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân;
Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/7/2023.
5. Nghị định 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Theo đó:
Nghị định 39/2023/NĐ-CP nêu rõ, người tham gia đấu giá là tổ chức, cá nhân người Việt Nam có đủ điều kiện tham gia đấu giá biển số xe ô tô theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan
Đấu giá biển số xe ô tô được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên môi trường mạng, phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, an toàn an ninh mạng.
Thời gian thông báo công khai, niêm yết, Quy chế đấu giá, danh sách biển số xe ô tô đưa ra đấu giá ít nhất 30 ngày trước ngày tổ chức phiên đấu giá.
Nghị định 39/2023/NĐ-CP được thực hiện từ ngày 01/7/2023 đến ngày 01/7/2026.
-
Thông tư số 01/2023/TT-BNNPTNT ngày 25/5/2023: Quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương. Theo đó:
Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương.
Theo Thông tư, có 5 vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương cần định kỳ chuyển đổi bao gồm:
1- Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm;
2- Kiểm dịch động vật;
3- Kiểm lâm;
4- Kiểm soát thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh động vật, gia súc, gia cầm;
5- Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 17/7/2023.
-
Thông tư số 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023: Hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước. Theo đó:
Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (viết tắt là VSDC) thực hiện chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với các trường hợp theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP và quy định sau đây:
VSDC thực hiện chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã đăng ký tại VSDC không thực hiện qua hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với các trường hợp sau:
Tặng cho, thừa kế trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; giải thể doanh nghiệp, giải thể hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác có liên quan.
Chuyển quyền sở hữu theo bản án, quyết định của tòa án, quyết định của trọng tài hoặc quyết định của cơ quan thi hành án.
Chuyển quyền sở hữu do xử lý tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã đăng ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và thực hiện phong tỏa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Thông tư 119/2020/TT-BTC;
Chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;
Chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể quỹ đầu tư chứng khoán; thành lập, tăng vốn điều lệ công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ; tăng, giảm vốn điều lệ quỹ thành viên; quỹ trả bằng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong hoạt động mua bán lại của quỹ mở;
Chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát sinh khi doanh nghiệp phát hành thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
-
Thông tư số 36/2023/TT-BTC ngày 06/6/2023: Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Theo đó:
Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau:
Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ
Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.
Người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là thương nhân có hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu trên cho tổ chức thu phí khi nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 21/7/2023.
-
Quyết định số 08/2023/QĐ-KTNN ngày 29/5/2023: Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Theo đó:
Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN ngày 16 tháng 10 năm 2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Theo đó tại Điều 1 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN có nêu rõ quy trình Kiểm toán Nhà nước bao gồm 4 bước:
Chuẩn bị kiểm toán;
Thực hiện kiểm toán;
Lập và gửi báo cáo kiểm toán;
Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Đồng thời tại Điều 2 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN nêu rõ đối tượng áp dụng của Quy trình kiểm toán mới nhất của Kiểm toán Nhà nước như sau:
Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các cuộc kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán
Các Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (gọi tắt là Đoàn kiểm toán);
Các tổ chức, cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Mục đích ban hành của Quy trình kiểm toán mới nhất của Kiểm toán Nhà nước như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN quy định mục đích ban hành của Quy trình kiểm toán mới nhất của Kiểm toán Nhà nước như sau:
Tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ nghề nghiệp để tổ chức các công việc trong một cuộc kiểm toán, các hoạt động của Đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN); bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện, quản ý hoạt động kiểm toán.
Là cơ sở để thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán, đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của KTVNN.
Làm căn cứ để xây dựng hướng dẫn kiểm toán đối với từng loại hình, từng lĩnh vực kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Tạo cơ sở cho việc xây dựng hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng các ngạch KTVNN.
Yêu cầu đối với Đoàn kiểm tra và thành viên Đoàn kiểm tra trong hoạt động kiểm toán nhà nước như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN quy định như sau:
Yêu cầu đối với Đoàn kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán
-
Tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng và nâng cao đạo đức công vụ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hệ thống CMKTNN; Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước; Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán và nâng cao chất lượng lập báo cáo kiểm toán; các quy định khác của Kiểm toán nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan trong suốt quá trình kiểm toán từ bước xây dựng kế hoạch kiểm toán đến thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
-
Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục đã quy định trong Quy trình kiểm toán. Tổ chức tiến hành các công việc kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán tổng quát của cuộc kiểm toán (KHKT tổng quát) đã được phê duyệt theo quy định.
-
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán (sau đây gọi là Trưởng đoàn) hoặc các Tổ trưởng Tổ kiểm toán (sau đây gọi là Tổ trưởng) phải chỉ đạo các thành viên Đoàn kiểm toán: Ghi chép, tập hợp đầy đủ kết quả kiểm toán cụ thể của từng bước công việc vào hồ sơ kiểm toán nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán; ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, kỹ thuật công nghệ cao để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, bảo mật thông tin theo quy định; định kỳ tổng hợp kết quả kiểm toán, báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch với cấp trên; hoàn thành các nội dung công việc trong kế hoạch kiểm toán (KHKT) theo đúng yêu cầu về tiến độ và chất lượng.
-
Trưởng đoàn, Tổ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các thành viên Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán theo Quy trình kiểm toán; thường xuyên giám sát, kiểm tra công việc của các thành viên Đoàn kiểm toán để đánh giá kết quả, rà soát và đánh giá bằng chứng kiểm toán, rút kinh nghiệm và quyết định công việc cho bước tiếp theo.
-
Lập và lưu trữ tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán được thực hiện theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống CMKTNN, Quy định Danh mục Hồ sơ kiểm toán, chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán, các quy định khác của Kiểm toán nhà nước và của pháp luật có liên quan.
-
Đối với cuộc kiểm toán liên quan đến bí mật nhà nước hoặc có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, ngoài việc tuân thủ Quy trình này còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
-
Theo như quy định trên, Đoàn kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán trong hoạt động kiểm toán nhà nước phải tuân thủ theo yêu cầu trên.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 13/7/2023.
Phòng Tư pháp tổng hợp
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |