Người tốt - việc tốt

Chúng tớ là Biệt đội Xanh
Publish date 07/05/2024 | 20:26  | View count: 33

Có những điều tưởng như rất bình dị nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn trong cuộc sống. Việc làm của Biệt đội xanh là một việc làm như thế. Các thành viên của Biệt đội Xanh chỉ là các cô bé lớp 3, lớp 4, với những suy nghĩ rất trẻ con nhưng đã làm được những điều rất tuyệt vời.

Cái tên Biệt đội Xanh đã từng gây cho tôi tò mò.Tò mò nên tôi đã tìm hiểu, từ tìm hiểu lại thấy cảm phục các cô bé, cậu bé nhỏ tuổi. Biệt đội xanh là tên gọi chung với 4 thành viên: Nguyễn Thục Minh, học sinh lớp 3D trường Tiểu học Dương Liễu A, Nguyễn Đình  Quyền, Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Đình An Khang, học sinh trường Tiểu học Lại Yên.

Biệt đội xanh ra đời từ hè 2023. Các mẹ của bốn bạn nhỏ cùng tham gia một Câu lạc bộ thể thao. Các mẹ có cùng mong muốn: sẽ thành lập một nhóm để dịp hè các con tham gia tập luyện thể thao, hạn chế thời gian tiếp xúc với điện thoại, với màn hình máy tính.

Ban đầu, các mẹ chọn công viên của Yên Sở để 4 con tập luyện. “Đề bài” mà các mẹ đưa ra là mỗi bạn chạy 30 phút quanh hồ/chiều. Những ngày đầu tháng 5, các bạn đã bắt đầu tập luyện. Các mẹ đã hứa, nếu các con tập luyện tích cực, cuối dịp hè sẽ được đi trải nghiệm thực tế tại Trung tâm nuôi dưỡng người già tâm thần và trẻ em khuyết tật ở Thuỵ An, Ba Vì.

Chính những buổi chạy quanh hồ và lời hứa của các mẹ đã đem đến cho các bạn nhỏ một ý tưởng: Sẽ tìm cách để có tiền mua quà tặng cho các cụ già và các em nhỏ ở Trung tâm.

Ý tưởng đó thôi thúc mỗi bạn nhỏ, để rồi được sự động viên của các mẹ, các bạn đã đi đến thống nhất: Nhặt chai, lọ nhựa, vỏ lon, thu gom rác thải để bán lấy tiền. Tìm được cách kiếm tiền chính đáng, vừa sức, mỗi bạn nhỏ đều rất vui. Và thế là Biệt đội Xanh đã tìm được việc làm ý nghĩa đúng với tên gọi: Thu gom chai lọ nhựa, nhặt rác thải, vừa bảo vệ môi trường, vừa có tiền gây quỹ để làm việc nhân đạo. Một việc làm nhưng có hai mục đích, mục đích nào cũng đẹp và ý nghĩa.

 

Thục Minh, một thành viên của Biệt đội Xanh nhớ lại: Những ngày giữa tháng 5, chúng con đã hoàn thành xong các kỳ thi, cứ đến chiều, sau khi đi học về, chúng con xuống công viên Yên Sở, vừa thể dục rèn luyện sức khoẻ, vừa nhặt rác, gom chai nhựa. Ban đầu là thu nhặt chai, nhặt rác ở khu vực công viên. Nhưng thu nhặt được mấy ngày thì chai lọ ỏ công viên Yên Sở cũng vơi dần. Chúng con nhặt ở đường, ở các khu vực trường học, các khu công nghiệp…

Việc nhặt rác với 4 bạn trở thành một việc thường nhật. Nhìn thấy chai nhựa trên đường, dù đang ngồi trên xe, các con cũng đòi mẹ dừng xe, xuống nhặt. Đi đâu, các con cũng mang sẵn túi nilong to để chứa chai lọ nhựa. Ý nghĩa nhất là chuyến đi trải nghiệm ở rừng quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Đến nơi, dù được đi chơi, các bạn nhỏ của Biệt đội Xanh vẫn không quên công việc mình làm thường ngày, nhìn thấy rác là nhặt, dù ở suối hay dọc đường vào rừng. Các con làm với sự tự giác, với một tinh thần thoải mái

Thấy các con làm việc có ý nghĩa, các mẹ cũng cùng làm. Các mẹ cùng con nhặt rác, thậm chí dùng vợt xúc rác, túi nilong trên mặt hồ, trên mương, thậm chí cùng xuống suối Xuân Sơn vớt rác cùng các con.

Khi được hỏi: Vì sao các con lại nghĩ ra việc nhặt chai lọ nhựa để lấy tiền? Điều gì thôi thúc các con làm như thế? Bạn Thục Minh chia sẻ: tìm hiểu về chất thải nhựa, con đã tưởng tượng mỗi chiếc chai nhựa có một cuộc sống riêng. Khi bị trôi trên sông, những chiếc chai nhựa, những túi nilong có thể khiến những chú cá, những loài vật sống dưới nước chết. Nếu chìm xuống đất, chai nhựa, túi nilong sẽ giống như kẻ thù của cây. Chúng con muốn góp một phần nhỏ vào việc giúp môi trường sống được sạch hơn. Con cứ tưởng tượng đến việc chỗ đất mà chúng con nhặt túi nilong, nhặt chai sạch sẽ, đất cũng vui, những cái cây trồng ở đó chắc cũng vui lắm, mặt hồ không còn những chai lọ, túi nilong, mặt hồ chắc chắn cũng rất hạnh phúc.

Nghe một bạn nhỏ chia sẻ câu chuyện mà con tưởng tưởng về lời kể của những chiếc chai nhỏ, về niềm vui của cây, của đất, của nước, tôi thấy những suy nghĩ của các cô bé, cậu bé nhỏ tuổi thật đáng  quý. Nó trong sáng, giản dị và gần gũi vô cùng. Chưa biết nhiều về môi trường, nhưng những việc làm của các cô bé, cậu bé đã góp phần làm đẹp cho môi trường, bảo vệ môi trường sống.

Ý thức trách nhiệm với cộng đồng đã là một việc làm đáng trân trọng. Càng trân trọng hơn khi những hành động đẹp về môi trường trường lại xuất phát từ một ý tưởng nhân đạo: Lấy  tiền mua quà tặng các cụ già, các em nhỏ khuyết tật bị bỏ rơi.

Được sự quan tâm, giúp đỡ của các mẹ, Biệt đội Xanh đã tham gia nhiều việc làm có kinh phí. Một trong những việc các con và các mẹ đã làm là bán hàng. Ý tưởng, việc làm của các con khiến các mẹ “bị” thuyết phục và tham gia rất nhiệt tình. Từ việc chọn mặt hàng để các con “kinh doanh” đến việc tổ chức cho các đi bán hàng. Vượt qua sự nhút nhát của những cô bé, cậu bé mới học lớp 1, lớp 2, lớp 3, các con trở thành những nhà kinh doanh tí hon. Đi rao hàng, mời chào để có thể bán được hàng. Những trải nghiệm ấy thật có ý nghĩa.

Mẹ Quyền nói với chúng tôi: Thấy các con làm được việc ý nghĩa, chúng em cũng ham, chị ạ. Bỏ cả công việc để đi nhặt rác, thu gom chai lọ với các con. Vui nhất là lần được đến công trường xây dựng, được các anh chị quản lý tạo điều kiện cho đi gom giấy bìa, nhặt vỏ lon, vỏ chai. Một buổi chiều cả 10 con người quên cả cái nóng tháng 7 chói chang, quên cả mệt. Nhìn thấy công trình xây dựng đã được nhặt hết chai lọ, những túi nilong được gom lại, chúng em cũng thấy vui.

Mẹ Thảo Nguyên lại tâm sự: Có lúc, nhà em như đại lý chai lọ chị à. Vỏ chai thì rất rẻ, có chiều các con gom được cả bao tải, nhưng tiền bán thì không được nhiều. Các con cứ băn khoăn: Thế này bao giờ mới đủ tiền mua quà cho các em nhỏ. Nghe các con nói thế, em rất xúc động. Các con trưởng thành trong suy nghĩ và điều quan trọng nhất là biết quan tâm đến cộng đồng, biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Sau thời gian hơn hai tháng miệt mài thu gom, các con đã có được số tiền hơn 12 triệu đồng. Số tiền đó không lớn, nhưng là mồ hôi công sức, tinh thần vượt khó của các bạn nhỏ.

Chuyến lên thăm Trung tâm nuôi dưỡng người già tâm thần và trẻ em khuyết tật ở Thuỵ An, Ba Vì thực sự là chuyến đi có ý nghĩa với Biệt đội Xanh. Được trao tặng các em nhỏ khuyết tật bị bỏ rơi những món quà do chính các em vất vả có được mới cảm nhận hết ý nghĩa của của sự chia sẻ yêu thương.

 

Nghe kể và chứng kiến những việc làm của các cô bé, cậu bé nhỏ tuổi, tôi cứ băn khoăn: Tại sao những cô bé, cậu bé tuổi còn rất nhỏ đã có thể làm được những việc có ý nghĩa với môi trường, với cộng đồng như thế? Nếu mỗi người trong chúng ta đều có thể, không ngại ngần nhặt một cái túi ni lông rơi trên đường, gom những cái chai, lọ nhựa vào đúng nơi quy định, hoặc giảm đi một chiếc túi nilong thì chắc chắn những lo lắng về môi trường sống sẽ giảm đi, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ sạch hơn, đẹp hơn mỗi ngày.

Việc làm của Biệt đội xanh dù rất nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng lớn, Và tôi muốn Biệt đội Xanh của 4 cô bé, cậu bé không chỉ là một nhóm tự phát mà sẽ trở thành một mô hình để mỗi nhà trường, mỗi phụ huynh quan tâm.

Nhưng suy nghĩ, việc làm trong sáng, đầy tính nhân văn cần được lan toả trong cộng đồng.

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh