Người tốt - việc tốt
"Song Thủy" là cái tên mà người làng hay gọi anh chị bởi cả 2 vợ chồng đều tên Thủy.
Đó là khởi đầu của câu chuyện cuộc đời anh chị chia sẻ với tôi sau một ngày làm việc vất vả tại xưởng may - nơi chứa đựng mồ hôi, nước mắt, tâm huyết và cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của anh chị. Anh là Chu Văn Thủy (44 tuổi), chị là Nguyễn Thị Thủy (41 tuổi). Anh chị hiện đang là chủ một xưởng may tại thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng với khoảng gần 20 lao động là người trong thôn, trong xã.
Năm 2000, Anh chị lấy nhau khi mới qua cái tuổi đôi mươi. Lấy nhau xong cũng là lúc vợ chồng anh bắt đầu lập nghiệp bằng đôi bàn tay trắng, bởi hai bên gia đình nội - ngoại đều nghèo. Không bằng cấp, không vốn liếng, anh chị đi làm thuê để trang trải cuộc sống gia đình. Anh đi làm thợ cơ khí, chị đi làm thợ may, gia công các mặt hàng quần áo thuê cho các chủ ở làng bên. Cuộc sống vợ chồng nghèo cứ thế dần trôi. Thế rồi, hai đứa con thơ lần lượt ra đời, kinh tế eo hẹp, anh chị bắt đầu thấy bí bách và thương con hơn khi chưa thể cho con cuộc sống đủ đầy về vật chất.
Và rồi, cái khó ló cái khôn. Năm 2004, chị bàn với anh dành dụm được tí vốn, vay thêm anh em họ hàng chút ít, mua vài cái máy may về, nhận được vài mối hàng, rủ mấy chị em cùng làng đến làm cùng. Ban đầu việc chưa nhiều, kỹ thuật may chưa giỏi, thiếu vốn nên chị cũng gặp rất nhiều trắc trở, tưởng chừng như gục ngã. Anh lại động viên chị, cùng cố gắng vì các con thơ dại, vì gia đình, vì mấy chị em lao động địa phương đang đồng cam cộng khổ. Chị có động lực vượt qua những ngày đầu chập chững vào nghề ấy. Niềm hạnh phúc bắt đầu được nhen nhóm lên. Anh chị chính thức lập nghiệp từ đó.
Chị chia sẻ với tôi rằng, chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, luôn đau đáu một lòng muốn làm điều gì đó góp phần xây dựng quê hương mình, cũng là giúp đỡ những người cùng quê- những người cũng đi lên từ khó khăn như chị.Từ những suy nghĩ chân phương và ấm áp đó mà xưởng may của chị luôn rộng cửa để chào đón những cô,dì, bác, những thanh niên không có việc làm tại thôn, tại xã. Kể cả những lao động chưa có tay nghề về may mặc, chị vẫn tiếp nhận, đào tạo và bố trí công việc phù hợp với khả năng.
Đến nay, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, xưởng may rộng khoảng 350 m2 của anh chị đã tạo việc làm cho gần 40 lao động nông thôn, họ là những người hàng xóm, người cùng làng, người làng bên. Họ đều là những thành viên trong các gia đình đã bị thu hồi đất nông nghiệp, những thanh niên (trai - gái) học hết cấp 2, cấp 3, không có việc làm ổn định, được anh chị thu nhận, đào tạo và bố trí việc làm có thu nhập ổn định hàng tháng. Đối với tổ cắt, anh chị bố trí việc 10 thanh niên khỏe mạnh, có thu nhập từ 6-8 triệu/tháng. Tổ may thì được bố trí trên 20 lao động là nữ (chủ yếu là các thanh niên nữ độ tuổi trẻ từ 17-35), thu nhập bình quân 7-9 triệu/tháng. Tổ đóng gói và nhặt chỉ thì lại bố trí những cô, những bác trung tuổi (do không còn ruộng để làm nông nghiệp, ruộng đã bị thu hồi cho các dự án), có thu nhập 4-5 triệu/Tháng.
Bên cạnh lương, thưởng hàng tháng để động viên người lao động, anh chị đã bố trí cơm trưa miễn phí cho toàn bộ lao động để vừa động viên, khích lệ, vừa tạo cho mọi người không gian sinh hoạt trưa gắn bó, gần gũi, đoàn kết. Sau mỗi giờ lao động vất vả, bữa cơm trưa nóng hổi đơn giản do mẹ chồng chị nấu được bày biện trong ngôi nhà khang trang của gia đình anh chị đã làm ấm lòng những người lao động quê tôi.
Không chỉ vậy, hàng năm, anh chị rất hào phóng, tổ chức các chuyến du xuân, dã ngoại cho tập thể lao động miễn phí 100%. Nhờ thế, tập thể người lao động của xưởng anh chị đã gắn bó với anh chị rất nhiều năm, hầu như không có tình trạng lao động dời việc sang xưởng khác. Anh chị tâm sự rằng: mình cũng đi lên từ nghèo khó, mình cũng đã từng đi làm thuê. Người đi làm thuê mà được chủ quan tâm thì người lao động sẽ thấy cuộc sống bớt khó khăn hơn, yêu công việc hơn.
Làm kinh tế xuất phát từ cái tâm, cộng thêm năng lực và tinh thần vượt khó. Anh chị Song Thủy không chỉ làm giàu cho kinh tế gia đình và còn góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt trong lúc giao thời (đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ các dự án) thì hành động của anh chị lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, góp phần chia sẻ gánh nặng tạo việc làm cho chính quyền các cấp. Hàng năm, gia đình anh chị vinh dự được Ủy ban nhân dân xã Đức Thượng khen thưởng Gia đình văn hóa tiêu biểu.
Bên cạnh đó, trong công tác xã hội, anh chị cũng luôn tích cực đi đầu trong thôn. Ủng hộ các vật phẩm đồ thờ khi nhân dân tu bổ tôn tạo đình làng năm 2015 trị giá 2 triệu đồng. Hàng năm ủng hộ tổ chức lễ tế thánh 1 triệu đồng/ năm. Năm 2023, ủng hộ cuộc thi Sáng xanh sạch đẹp 1 triệu đồng. Năm 2024, ủng hộ công tác tổ chức lễ tế truyền thống quán Tổng 500.000 đồng.
Chia tay anh chị ra về, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm và hân hoan niềm vui khó tả. Cầu chúc cho anh gia đình chị mãi hạnh phúc, luôn giàu lòng nhân ái như vậy để lan tỏa những yêu thương và hạnh phúc đến với cuộc đời. Quê tôi có những con người như thế, có những gia đình như thế, tôi tin rằng Đức Thượng của tôi là một miền quê đáng sống.
Video nổi bật
Các chuyên mục
Thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |