Người tốt - việc tốt

Trái tim không khuyết tật
Publish date 19/07/2023 | 14:04  | View count: 52

"Mẹ ơi, vì sao con không được đi học hả mẹ? Bao giờ thì con mới được đi học như các anh, chị hả bố?” đó là những câu hỏi hàng ngày khi chưa được đi học của cô bé có cái tên thật đáng yêu Nguyễn Như Hân khiến người lớn nhói lòng.

Đến tuổi đi học, được vui chơi là lẽ thường tình đối với mọi trẻ em bình thường. Nhưng với Như Hân, chỉ cần được đến trường thôi cũng là niềm hạnh phúc lớn lao. Bởi đối với con, hành trình đến trường lấy con chữ là vô cùng khó khăn so với bạn bè đồng trang lứa.

Chị Thoa-mẹ của Như Hân ngậm ngùi chia sẻ: Ngày 22/9/2013, vợ chồng tôi vô cùng sung sướng đón đứa con đầu lòng chào đời. Nhưng niềm vui thật ngắn ngủi. Khi con sinh ra mới được 5 ngày thì bỏ bú, da dẻ vàng vọt, gia đình phải cho đi cấp cứu. Nhìn đứa con bé bỏng nằm thoi thóp mà lòng tôi đau như cắt. Nỗi đau càng nhân lên khi nghe bác sĩ kết luận, con bị tổn thương não gây ảnh hưởng lớn các chi và sự vận động sau này. Lúc ấy, tôi chết lặng người vì nỗi đau quá lớn. Thương con, vợ chồng tôi cố nén lòng, gắng gượng và quyết định không sinh thêm để dành trọn tình thương yêu cho con, chăm sóc con một cách tốt nhất, để phần nào bù đắp những thiệt thòi mà con sẽ phải gánh chịu cả cuộc đời.

Như Hân dùng tay trái kết hợp với má và cằm kiên trì luyệnviết.

Nhưng thật may mắn ông trời không lấy đi của ai tất cả. Như Hân bị liệt chân tay, cổ không xoay được bình thường, nói năng rất khó khăn, đổi lại con có khuôn mặt trái xoan thanh tú, xinh đẹp, nước da trắng trẻo, mái tóc dài óng ả và nụ cười rạng rỡ, thân thiện luôn nở trên môi. Đặc biệt, chỉ số IQ hoàn toàn bình thường, con rất thông minh, hiểu chuyện và luôn khát khao được đến trường đi học như các bạn.

Mỗi lần nghe con hỏi “Sao con không được đi học?” vợ chồng chị Thoa chỉ biết ôm con vào lòng mà thủ thỉ rằng: Lớn chút nữa con sẽ được đi học. Nói vậy nhưng vợ chồng chị cũng không biết con có thể đến trường được không vì chân tay con như thế, nói năng cũng rất khó khăn, nếu đến trường thì có lẽ phải có người lớn ngồi kèm. Hơn nữa, mọi khó khăn chị Thoa đều có thể vượt qua, nhưng để vượt qua được ánh mắt dò xét của nhiều người thì thật không dễ chút nào. Mỗi lần nhìn con, chị lại ao ước nếu có phép màu nào đó để chị đổi được hình hài của mình cho con thì hạnh phúc biết chừng nào.

Niềm vui vỡ òa khi lần đầu tiên Như Hân được dự Lễ khai giảng

Hình như bé Như Hân cũng hiểu được sự khiếm khuyết về hình thể của mình nên con rất nhạy cảm. Chị Thoa kể, mỗi khi ra đường, thấy ai tò mò nhìn mình hay xì xào bàn tán, Như Hân đều rất buồn. Nhìn con mà lòng người mẹ như tan nát. Chị chỉ biết ôm con thật chặt, vỗ về để cho con nguôi ngoai. Điều đó càng thôi thúc chị giúp con biết sống tự lập và dạy con học chữ, vẽ tranh, học đàn, chơi cờ vua, dạy con tất cả những gì con thích.

Hiểu được lòng mẹ và khát khao được đi học, bé Như Hân rất chăm ngoan và quyết tâm cao. Ngay từ lúc còn nhỏ, con đã cố gắng tự học làm những việc cá nhân để bố mẹ khỏi lo lắng. Con cố gắng tự đẩy xe lăn, tập bò dưới nền nhà và cố dùng đôi bàn tay cong queo, lẩy bẩy của mình để bê nước uống, tự xúc cơm để ăn, gấp quần áo,… Với những đứa trẻ bình thường bằng tuổi con cũng khó khăn lắm mới làm được những việc như thế, thì với Như Hân, những việc này lại trở nên khó gấp nhiều lần. Để có thể cầm được cốc nước, bát cơm cũng là cả sự khổ luyện của con và mẹ. Có những lúc đôi tay run rẩy của con mỏi rã, đồ vật cứ thế rơi ra, không theo sự điều khiển của bé. Nhưng rồi được sự khích lệ và kiên nhẫn của mẹ, dần dần con cũng có thể tự làm được một số việc của cá nhân. Không những thế, 5 tuổi con cũng nhận biết được hết các chữ cái, rồi con tập phát âm, tập đọc. Để đọc được con phải dùng hết các cơ mặt cũng như toàn thể sức lực mới phát ra được một tiếng yếu ớt. Tập nói đã khó là vậy, tập viết lại càng khó hơn. Muốn cầm được chiếc bút thôi cũng phải trải qua cả một quá trình tập luyện gian nan. Mỗi ngày con dành rất nhiều thời gian để tập luyện. Trong suốt một thời gian dài, cố mãi nhưng bàn tay phải không thể cầm được bút nhưng Như Hân không bỏ cuộc mà chuyển sang bàn tay trái. Thế rồi con cũng cầm được bút nhưng không thể di chuyển bút được, con sáng tạo dùng cằm và má trái đỡ thân bút để viết. Cứ như vậy hết ngày này sang ngày khác, cô bé cặm cụi, gắng gượng từng giây, từng phút, biết bao giọt nước mắt tủi hờn chảy tràn trên gò má, biết bao giọt mồ hôi thấm đẫm bao trang giấy, đôi môi bặm lại đến nỗi tứa máu mà con cũng không biết. Có công mài sắt, có ngày nên kim, những nét chữ đầu tiên đã được viết trên trang giấy trắng, tuy ngoằn ngoèo nhưng mang lại niềm hạnh phúc vô bờ đối với con và gia đình.  Thật khâm phục trước nghị lực phi thường của con.

Con đã viết, vẽ được bằng tay trái mà không cần sự hỗ trợ của má và cằm.

Và niềm vui vỡ òa, tháng 9/ 2021, Như Hân tròn 8 tuổi chính thức được đi học, được dự lễ khai giảng đầu tiên trong cuộc đời. Mái trường Tiểu học Di Trạch đã dang rộng vòng tay đón con hòa nhập với cộng đồng và được học, được đến trường cùng các bạn. Với nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, ngay từ buổi học đầu tiên Như Hân đã nhận được tình cảm thân thương, quý mến và sự giúp đỡ tận tình từ cô giáo và các bạn. Mỗi ngày đến trường đối với Như Hân là mỗi ngày tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao.

Thực hiện được ước mơ bấy lâu nay của mình,  Như Hân càng ra sức học tập, rèn luyện và ngày càng tiến bộ rõ rệt. Bằng nghị lực và khát vọng phi thường, cô bé đã khiến tất cả mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Kết thúc năm học lớp 1, Như Hân có thể đọc được bài, nói năng rõ ràng hơn. Đặc biệt, con đã viết được bằng tay trái mà không cần sự hỗ trợ của má và cằm nữa. Tốc độ viết cũng nhanh hơn, tuy nét chữ không đẹp nhưng ai cũng có thể đọc được. Đặc biệt, Như Hân rất thích vẽ tranh, những bức tranh của con rất đẹp với màu sắc trong sáng, hiền hòa như chính tâm hồn sáng trong của con. Những lúc rảnh rỗi, con còn học đánh đàn bằng đôi bàn tay “nở hoa” của mình. Tiếng đàn của con vang lên làm ấm lòng những người thân yêu bên con.

N hư Hân luôn hạnh phúc rạng ngời trong vòng tay thầy cô, bạn bè và người thân

Giờ đây, bố mẹ Như Hân có thể yên tâm đi làm vì con có thể tự phục vụ được bản thân. Con còn lên thời gian biểu cho bản thân và thực hiện nghiêm túc theo thời gian biểu đã đề ra. Con dành khá nhiều thời gian để học bài, vẽ tranh, chơi đàn,… Học xong con biết sắp xếp sách vở, đồ dùng gọn gàng vào đúng vị trí và ngày nào con cũng không quên nhắn tin qua chiếc iPad cho bố mẹ báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ.

 Như Hân sống rất tình cảm và có một trái tim nhân hậu. Xem tivi thấy những hoàn cảnh khó khăn, đáng thương con lại khóc và mong muốn được giúp đỡ. Những lúc thấy bố mẹ buồn, con biết làm mọi cách để bố mẹ vui cười như hôn gió, thả tim, ra hiệu rồi ôm bố mẹ thật chặt, thì thầm hát cho bố mẹ nghe, … Bởi vậy, dù chỉ có một đứa con duy nhất là Hân nhưng bố mẹ con vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và rất tự hào về con.

Ở trường, con cũng rất yêu quý cô giáo và các bạn. Con thể hiện tình cảm của mình bằng những tấm thiệp chúc mừng, những bức hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu và cả bằng những ánh nhìn trìu mến xuất phát từ trái tim nồng ấm. Đáp lại tình yêu thương của gia đình, cô giáo và bạn bè, Như Hân không chỉ vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng bệnh tật mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập, xứng đáng trở thành Đội viên Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Mong sao tương lai tươi sáng phía trước luôn chào đón con, dẫn dắt con thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

Như Hân xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về tính tự lực, tinh thần vượt khó, khát vọng học tập, xứng đáng là người truyền cảm hứng, truyền động lực không chỉ cho những người yếu thế mà cả những người bình thường khác noi theo. Như Hân – cô bé khuyết tật yếu ớt, mong manh nhưng “Trái tim không khuyết tật”. Trái tim ấy mang nhịp đập của sự yêu thương, niềm tin, hy vọng và tỏa sáng trong cuộc đời.

                                                                          Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thủy

  Bản đồ hành chính

  PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  THƯ VIỆN ẢNH

  Thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh