DI TÍCH LỊCH SỬ
Đình Phương Quan được xây dựng ở khu vực trung tâm làng Phương Quan, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây(nay là thành phố Hà Nội).
Đình Phương Quan được xây dựng ở khu vực trung tâm làng Phương Quan, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây(nay là thành phố Hà Nội).
Đình được tọa lạc trên một khu đất rộng, phong quan ven khu vực cư dân làng Phương Quan, xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Tây. Đình trông theo hướng Nam, nhìn ra đường tỉnh lộ 72, phía trước đình là 2 cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng rợp mát bên giếng đình, tạo sự thoáng đãng, cổ kính.
Theo hồi ức của nhân dân địa phương thì đình Phương Quan đã được dựng từ xa xưa và đã nhiều lần tu bổ, sửa chữa. Hiện trạng ngôi đình hiện nay cho thấy, tòa đại bái của đình có quy mô to lớn đồ sộ vào thế kỷ 17. Sang thế kỷ 18, đình đã sửa chữa lại, dựng thêm phần chuôi vồ hậu cung. Những lần sửa chữa tiếp theo ngôi đình được tu bổ thêm và làm thêm 2 nhà tả hữu mạc.
Quy mô đình Phương Quan hiện nay gồm có tòa đại đình cấu trúc chữ đinh và 2 nhà tả hữu mạc ở phía trước 2 bên sân đình. Tả hữu mạc là 2 nếp nhà xây tường hồi bít đốc, mỗi nếp 5 gian. Các bộ vì được làm theo kiểu thức kèo kẻ giá chiêng đặt trên quá giang. Trước đây mặt trước để trống. Cách vài chục năm, được xây tường làm thêm các panô để thuận tiện trong việc sử dụng.
Từ khoảng sân lát gạch bước lên 3 bậc thềm xây bằng các tảng đá xanh là lên tới nền đại đình. Đại đình có kiểu thức kiến trúc hình chữ đinh: Đại bái và Hậu cung. Đại bái là một nép nhà ngang 3 gian 2 dĩ với 4 lá mái. Lòng đình rộng nên các mái chải dài. Mái đình lợp ngói di, loại có mũi hài nổi, tạo hình cánh hoa. Bờ nóc bờ dải xây kiểu chữ I với hàng gạch trổ hoa chanh, hoa thị, chạy theo. Hai đầu bờ nóc là 2 con Kìm – Rồng là uốn đôi, há miệng ngậm giữa các bờ dải là các con Lân được làm từ đất nung và đắp vôi vữa trong tư thế gìm mình hướng về nhau một cách sống động. Các góc mái được làm thành những góc đao cong bay bổng. Những con Lân, Rồng đầu đao, đầu rồng được làm từ đất nung có vũ đai ở đầu thế kỷ 18. Ở các góc mái đao đã tạo nên sự sinh động, độc đáo hấp dẫn nhiều khách du lịch tham quan và nghiên cứu.
Bộ khung nhà Đại bái được làm vững chắc trên các hàng cột lớn, thon thả. Cột cái có chu vi 1.5m. Các bộ vì có kết cấu thượng giá chiêng rường nách hạ kẻ trên 6 hàng chân cột. Một câu đầu lớn khấc 2 đầu ngoằm nối hai đầu cột cái qua các đấu kê đầu cột hình vuông thót đáy theo kiểu thức chồng đè. Giá chiêng được tạo bởi hai trụ trốn được đặt trên đầu câu. Cong rường nối hai đầu trụ trốn đỡ rường bụng lợn, đỡ thượng lương qua một đấu kê vát hình thuyền. Từ thân trụ đôi rường cụt ăn mộng vươn ra đỡ các hoành mái thượng. Giữa các rường đặt các đấu dày hình vuông thót đáy. Từ thân cột cái một xà nách ăn mộng vươn ra đầu cột quân. Phía trên xà nách là các rường nách lớn đặt khít nhau tạo mặt bằng mê cốn cho các tác phẩm điêu khắc trang trí. Một kẻ dài ăn mộng từ đầu cột quân qua đầu cột hiên vươn ra đỡ tàu mái. Trên kẻ là dong đệm để đỡ các hoành.
Đỡ phần trên mái hồi là hệ thống chồng rường đặt trên thanh xà ngang to, dầy. Xà có đầu ăn sâu chân mộng vào cột cái, hia đặt trên đầu cột quân phía gian hồi. Phần mái dưới là hệ thống kẻ giống với phần kẻ của các bộ vì chính. Bốn góc mái đều có một kẻ xó dài chạy suốt từ thượng lương qua đầu trụ trốn và trụ cái tới cột góc. Đầu trên các kẻ góc chạm tạo hình đầu chim phượng. Liên kết các bộ khung vì là các xà đại thượng hạ và hệ thống dầm sàn gỗ. Hiện nay hệ thống sàn gỗ còn đầy đủ nguyên vẹn, kiểu lòng thuyền. Gian giữa không có sàn, nền lát gạch, là nơi bố trí đồ thờ và tế lễ. Hai bên đình được làm sàn gỗ tạo không gian thuận lợi cho sinh hoạt cộng đồng. Phía trước gian giữa là 2 cánh cửa gỗ lớn, kiểu thương song hạ bản, có bánh xe lăn. Các gian bên phía trước là hệ thống lan can con tiện và cửa bức bàn. Các phía còn lại của Đại bái trước đây là hệ thống cửa bức bàn và bán bưng đố lụa cùng lan can con tiện. Qua thời gian mưa nắng ảnh hưởng hệ thống cửa, đố này bị hư hỏng nên hiện nay đã được thay bằng tường xây kín. Phần dưới gầm sàn để trống. Chạy qua hàng cột hiên xây tường vây, có các ô cửa tạo hình chữ thập thông thoáng nên đình. Các tảng kê chân cột làm từ đá xanh dưới vuông, trên tròn cao kiểu dành ấm.
Hậu cung đình Phương Quan mới được làm vào thế kỷ XIX nối liền với gian giữa Đại bái, trên nền cao hơn nền Đại bái 40cm. Hậu cung được làm kiểu thức chồng diêm hai tầng mái. Các lá mái lợp ngói di. Đầu bờ nóc có kìm, các góc đao trang trí hoa văn dây lá cách điệu hình rồng. Khoảng cổ diêm giữa hai tầng mái được bưng kín bằng ván đố lụa. Các bộ vì khung nhà làm theo kiểu thức 4 hàng chân: thượng chồng rường hạ kẻ, trên xà đỡ. Trung cung làm sàn gỗ cao làm cung cấm thờ các vị Thành hoàng. Phía hậu cung xây tường vây kín tạo nên một kho cất chứa đồ đạc ở gần cung cấm. Ở bộ vì thứ nhất là hệ thống các cửa bức bàn ngăn cách Đại bái và Hậu cung. Một gian, một dĩ bên trong là cung cấm, đặt khám chứa long ngai bài vị và các đồ tế tự.
Nghệ thuật điêu khắc trên kiến trúc đình được thẻ hiện tập trung trên bộ khung Đại bái. Hậu cung được làm thiên về sự bào trơn, bào soi chỉ chắc khỏe, mộc mạc tạo sự tôn nghiêm thành kính. Trên bộ khung tòa Đình ta thấy sự kỳ diệu tài hoa của các nghệ sỹ dân gian, các thế hệ kế tiếp nhau làm cho các mảng chạm khắc kiến trúc hòa nhập với nhau vào một tổng thể thống nhất, cả bên ngoài lẫn cả bên trong, dù thời gian tạo tác của chúng dàn trải ở vài thế kỷ liên tiếp. Có niên đại sớm hơn là ở các mảng chạm trên các cốn. rường, thân kẻ, đầu dĩ ở các gian bên. Các tác phẩm này được làm theo phong cách chạm nổi sâu và chạm lộng nhiều lớp của thời Lê Trung Hưng với các đặc điểm điêu khắc đao mác mập thẳng dài. Các tác phẩm điêu khắc niên đại muôn hơn được tập trung chủ yếu vào hai bộ vì chính gian giữa Đình. Đó là các bức cốn chồng rường theo đề tài “Tứ linh chuyển bát” hay “Phong cảnh lâu đài sơn thủy”. Đó là các đầu dư hình rồng đồ sộ uy nghi với trán dô, mũi hếch, miệng rộng, đôi chân trước vững chãi. Những tác phẩm muộn hơn này mang đậm phong cách điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XIX.
Đình Phương Quan được xây dựng để thờ các vị thần thành hoàng bảo trợ cho cuộc sống của dân làng Phương Quan, thờ các vị anh hùng chống giặc ngoại xâm của đất nước nên thuộc loại di tích tín ngưỡng dạng đình. Phân theo giá trị tiêu biểu nổi bật của di tích thì đình Phương Quan thuộc loại di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Hà Tây và cả nước.
Sưu tầm Bảo tàng tổng hợp Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây